Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm ngày 10.10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã phải đặt câu hỏi: "Chỉ trong 9 tháng mà nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu đến 246 lần, việc tước phù hiệu liệu có còn hiệu quả thực sự hay không?".
Ông cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần phải đề xuất chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, từ chuyện thu hồi giấy phép cho đến cấm kinh doanh, do doanh nghiệp vận tải như Thành Bưởi quá coi thường pháp luật.
Thực tế cho thấy tình trạng “nhờn luật” của nhà xe Thành Bưởi rất rõ, khi dù vi phạm rất nhiều nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. P.An Phú (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã nhiều lần kiểm tra và kiến nghị lên UBND, các cơ quan cấp quận nhưng không giải quyết được. Nhà xe này tiếp tục coi thường, thậm chí dừng đỗ xe đón khách cách biển cấm chỉ vài mét.
Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, vi phạm của nhà xe Thành Bưởi diễn ra lâu, có tính hệ thống, báo chí như Thanh Niên và nhiều tờ báo khác vào cuộc phản ánh rất nhiều và cũng có nhiều đoàn kiểm tra. Nhưng nhà xe này vẫn vi phạm, ngang nhiên hoạt động, vi phạm ngày càng trầm trọng hơn, cho thấy việc coi thường pháp luật cũng như việc thực thi, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý chưa đến nơi đến chốn.
Ông Nhưỡng cũng đặt vấn đề về sự yếu kém của cơ quan có liên quan, từ cơ quan quản lý trực tiếp về giao thông vận tải, cho đến những cấp chính quyền quản lý trực tiếp - UBND các cấp.
“Có khả năng có bảo kê, có chống lưng. Không chỉ là sự chống lưng của cán bộ thông thường, dứt khoát phải có sự chống lưng của những "ông lớn” thì nhà xe này mới nhơn nhơn vi phạm như thế”, ông Nhưỡng nêu.
Cùng quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng phải xem xét trách nhiệm của các đơn vị nhà nước có thẩm quyền được giao quản lý trực tiếp như thanh tra giao thông, sở GTVT, chính quyền sở tại phường, quận…
“Trường hợp doanh nghiệp bị vi phạm quá nhiều lần, bị tước phù hiệu hàng trăm lần nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và tái diễn vi phạm, câu hỏi đặt ra là pháp luật đã chặt chẽ chưa? Phải có chế tài cụ thể để xử lý. Trong trường hợp một doanh nghiệp vi phạm quá nhiều như bị tước phù hiệu nhiều lần, hoạt động kiểu xe dù, bến cóc… thì phải xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, luật sư Quynh nêu.
Theo ông, mức phạt phải đủ sức răn đe thì mới đủ sức nặng. Nếu quy định pháp luật chưa có thì phải bổ sung để đảm bảo tính công bằng trong thực thi pháp luật, cũng như răn đe cho các đối tượng vi phạm khác.
Về trách nhiệm liên đới của cơ quan quản lý các cấp với vi phạm của doanh nghiệp, theo luật sư Quynh, cần có sự thanh kiểm tra làm rõ ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm. Quy định xử lý của Đảng rất chặt chẽ, lãnh đạo đơn vị mà để xảy ra vi phạm kéo dài nhưng không xử lý sẽ bị xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, ngoài ra còn xem xét xử lý về mặt chính quyền. Có như thế, người dân mới tin tưởng vào sự nghiêm minh của cơ quan quản lý cấp trên trong việc giám sát, thực thi, kiểm tra với cấp dưới.
Không thể xử kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, sai phạm của tài xế lái xe gây tai nạn chết người đã rõ. Tài xế đang bị thu bằng nhưng vẫn chạy xe, vượt ẩu đã bị khởi tố và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Nhưng quan trọng hơn với vi phạm của nhà xe, cần phải xem xét điều tra làm rõ. Về vi phạm của việc lập bến trái phép, nhà xe Thành Bưởi đã lập nhiều bến, trong đó có bến công khai, bến trá hình.
Ông Nhưỡng cũng dẫn chứng bến ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) hoạt động công khai mặc dù không đủ diện tích để bố trí làm một bến xe. Hay nhà xe này lập bến ở đường Lê Hồng Phong (TP.HCM) nhưng lại trung chuyển khách nơi khác. Những vi phạm này báo chí đã chỉ ra và nhiều cơ quan, ban ngành đã kiểm tra.
Thứ hai, nhà xe này đăng ký chủ yếu chạy xe hợp đồng, du lịch, nhưng thực chất là chạy xe liên tỉnh cố định như tuyến từ TP.HCM đi Đà Lạt. Ở đây có sự nhập nhèm, đánh tráo khái niệm khi chạy như xe khách cố định nhưng trá hình xe hợp đồng, gây cạnh tranh không lành mạnh, thiệt hại cho Nhà nước về thuế, phí.
Thứ ba là việc trốn thuế, phí khi không đăng ký hoạt động trong các bến chính thức của Nhà nước. Nếu bán vé không xuất hóa đơn, không xuất vé thì tiền thu về không thể kiểm soát, gây thiệt hại cho ngân sách.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng với hành vi trốn thuế, phí không khó kiểm tra với các cơ quan quản lý thuế chuyên ngành. Trường hợp chứng minh được nhà xe trốn thuế, có thể xử lý nặng về vi phạm hành chính, thậm chí xử lý về mặt hình sự nếu mức trốn thuế nhiều theo bộ luật Hình sự.
Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, rõ ràng có sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý nhà nước khi để vi phạm của nhà xe Thành Bưởi kéo dài và ngang nhiên tồn tại bao lâu nay. Tuy nhiên, để xử lý những trường hợp tương tự như Thành Bưởi trong cuộc chiến chống xe dù, bến cóc, cần phải xem lại những bất cập trong câu chuyện quy hoạch bến xe hiện nay.
“Trước đây, Bến xe Miền Đông cũ mỗi ngày có cả nghìn lượt xe đi lại, nhưng bến xe mới vắng hoe, chỉ lèo tèo bằng một phần trước đây. Vậy xe đi đâu, hành khách đi đâu? Người dân vẫn phải đi lại nhưng bến xe quá xa thành phố, tiền bắt xe ra bến xe còn cao hơn tiền vé về quê”, ông Thanh nói và cho biết, trước đây ông đã nhiều lần kiến nghị quy hoạch bãi đỗ xe phải nghĩ đến lợi ích của người dân đầu tiên.
Việc quy hoạch bến xe quá xa nội đô càng tiếp tay cho sai phạm. Xem xét lại quy hoạch bến xe không chỉ là trách nhiệm của ngành giao thông vì không đủ thẩm quyền, mà cao hơn là cấp thành phố.
Bình luận (0)