Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng

04/08/2022 14:24 GMT+7

Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột phát triển bền vững nhưng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.

Sẽ cần tới 3 trái đất để đáp ứng nhu cầu sinh sống

Sáng 4.8, Bộ TN-MT tổ chức Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 5 với chủ đề: “Hài hoà phát triển kinh tế và Bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ lo ngại trước tình trạng suy giảm môi trường như hiện nay

lê quân

Đây là Hội nghị được tổ chức 5 năm một lần. Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết theo Liên Hợp Quốc, môi trường, các hệ sinh thái trên trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người, chạm ngưỡng không thể đảo ngược do sự gia tăng dân số và những áp lực của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Các số liệu do Diễn đàn liên Chính phủ Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái công bố cho thấy thực trạng đáng lo ngại: 1 triệu trong tổng số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng; mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm.

Theo tính toán đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỉ người, sẽ cần tới 3 trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại.

Cần sớm xử lý ô nhiễm ở các lưu vực sông

lê quân

Cũng theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, ở trong nước, ô nhiễm môi trường một số nơi có nguy cơ vượt ngưỡng, đa dạng sinh học vẫn có xu hướng bị suy giảm, đối mặt với nhiều vấn đề môi trường cấp bách.

“Nguyên nhân sâu xa là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng...“, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá và nhấn mạnh, nếu chỉ chú trọng chạy theo những thành tích về kinh tế trước mắt, không quan tâm giải quyết thoả đáng các vấn đề môi trường thì thế hệ tương lai sẽ gánh chịu hệ luỵ lớn.

Một trong ba trụ cột phát triển bền vững

Để phát triển đất nước theo hướng bền vững mà một trong ba trụ cột là bảo vệ môi trường, Phó thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, trong giai đoạn 2022 - 2025 cũng như những năm tiếp theo, ngành môi trường cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên.

Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.

Tăng cường thu gom, xử lý tái chế chất thải rắn

lê quân

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phải đẩy nhanh đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường; phát triển, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Áp dụng các rào cản kỹ thuật để ngăn ngừa các tác động tiêu cực về môi trường từ quá trình hội nhập.

Các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có khí mê-tan; sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.