Vi phạm vẫn tràn lan

13/11/2020 07:02 GMT+7

Trong 2 năm triển khai chương trình “Tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc tại địa điểm giao thông công cộng” ở Bến xe Miền Tây và Bến xe buýt Sài Gòn (Q.1), chỉ có 212 trường hợp hút thuốc lá bị xử phạt.

Dù quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá cùng một số hành vi khác có trong Nghị định (NĐ) 117 đã được quy định trong NĐ 176/2013 ngày 14.11.2013  (NĐ này sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 15.11.2020 - PV), nhưng theo ghi nhận của PV chiều 11.11 tại Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều hành khách và cả tiếp viên, lái xe đều thản nhiên hút thuốc lá và vứt tàn thuốc tại các ghế chờ ở bến xe.
Từ năm 2019, Sở GTVT TP.HCM phối hợp Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) tổ chức chương trình “Tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc tại địa điểm giao thông công cộng” ở Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) và Bến xe buýt Sài Gòn (Q.1). Trong 2 năm triển khai, chỉ có 212 trường hợp hút thuốc lá tại các điểm giao thông công cộng bị xử phạt với tổng số tiền 88 triệu đồng.
Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết việc xử phạt hành khách hút thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn do bến xe không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính. Muốn xử phạt hành khách vi phạm, bến xe phải nhờ vào lực lượng chức năng lập biên bản rồi ra quyết định xử phạt. Điều này dẫn đến tình trạng dù có quy định nhưng vẫn không thể xử phạt đối với hành khách.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng, nhìn nhận NĐ 117 chỉ khác về mức phạt so với NĐ được áp dụng trước đó. Bà Yến cho rằng muốn xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng cần phải có quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ giữa bến xe và chính quyền địa phương.
Lãnh đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM (gọi tắt trung tâm) cho biết việc xử phạt hành vi hút thuốc lá ở bến xe buýt chia thành 2 nhóm đối tượng, bao gồm: tiếp viên, tài xế và hành khách. Cụ thể, tài xế và tiếp viên hút thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt theo hợp đồng đã ký kết giữa trung tâm với các đơn vị vận tải. Còn với hành khách, thẩm quyền xử phạt do công an và UBND các phường, xã nhưng trên thực tế rất ít người bị xử phạt. “Hiện công an chưa triển khai xử phạt hành vi này dù quy định đã có. Để quy định mới khả thi đòi hỏi TP.HCM phải có chủ trương xử lý mạnh tay giống như hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, đồng thời giao công an xử phạt thì mới có hiệu lực”, vị lãnh đạo này đề nghị.
Việc xử phạt ở dưới bến xe đã khó nên việc xử phạt hành khách hút thuốc trên xe buýt càng bất khả thi. Dù trên xe buýt có camera hành trình, nhưng nếu công an trích xuất hình ảnh thì cũng khó xác định được danh tính hành khách để lập biên bản xử phạt. Còn nếu muốn xử phạt theo dạng bắt quả tang thì cần xác định tính chất nguy hiểm của hành vi hút thuốc; đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền của tiếp viên, tài xế cũng như cân nhắc có cần thiết phải dừng cả chuyến xe để xử phạt một người hút thuốc lá. “Trên thực tế, nhiều tiếp viên đã bị hành khách chửi bới, thậm chí hành hung khi được nhắc nhở không hút thuốc trên xe buýt. Sau đó, trung tâm trích xuất hình ảnh báo công an sự việc xảy ra nhưng để xử lý thì rất khó vì người vi phạm đã xuống xe buýt”, lãnh đạo trung tâm thông tin.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.