Giữa bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV) khiến cả thế giới quan ngại, thì người châu Á ở nhiều nước phương Tây trở thành đối tượng bị kỳ thị. Và nhiều người gốc Việt cũng trở thành nạn nhân của tình trạng này.
Bị gọi là “Corona”
Bất chấp buông lời miệt thị
Ở một số quốc gia châu Âu, người gốc Việt buộc phải lên tiếng làm rõ rằng họ không phải là người Trung Quốc. Một số nhà hàng ở thủ đô Budapest (Hungary) phải treo biển báo “Chúng tôi là người Việt”.
Một tờ báo địa phương ở Pháp đã bị lên án gay gắt sau khi đăng tải bài viết với tiêu đề “Báo động da vàng”, lặp lại từ ngữ “Hiểm họa da vàng” mang tính xúc phạm và phân biệt chủng tộc trong lịch sử phương Tây. Sau đó, tờ báo này đã lên tiếng xin lỗi.
Trên mạng xã hội, những người mang tư tưởng phân biệt chủng tộc sẵn sàng buông lời miệt thị bất kể là người Việt hay gốc Hoa, chẳng hạn “sao không ăn cơm kèm thịt dơi và chuột”. Khi nạn nhân phản ứng, họ bảo đó chỉ là trò đùa. Trên Twitter, cộng đồng gốc Á ở Pháp còn tạo ra một hashtag #Jenesuispasunvirus (Tôi không phải là vi rút) để phản đối nạn kỳ thị.
Phúc Duy
|
“Tôi không rõ họ nhìn mình với cặp mắt xa lánh như thế vì tôi là người gốc Á, hay sợ tôi có thể nhiễm nCoV?”, Truong Nguyen chia sẻ.
Còn cô Cindy Lu, theo học thạc sĩ tại Đại học Nam California (California, Mỹ), cố nén hành động xì mũi (vì dị ứng) tại nơi công cộng để tránh rước lấy những phản ứng không đáng có. Trong vài tuần gần đây, cô cảm thấy lo lắng khi chứng kiến những người trong trường nhìn về phía các sinh viên gốc Á một cách kỳ lạ, nhất là khi đối tượng đeo khẩu trang, và giữ khoảng cách với họ. Mới đây, điều tương tự đã xảy đến với cô.
Một hôm, Lu lên xe buýt trường và tìm chỗ ngồi, nhưng cảm thấy bị xúc phạm khi hành khách ngồi kế bên nhanh chóng dịch người ra xa đến mức áp sát vào cửa sổ.
“Nếu tôi không phải là người gốc Á, ắt hẳn sẽ không phải gặp tình trạng như thế”, cô kể lại.
Thậm chí, Lisa Tran, 18 tuổi ở Boston (bang Massachusetts), còn bị chỉ vào mặt và gọi là “Corona” trong lúc trên đường đi học về.
Còn Minh Le, sinh viên Đại học Cypress ở miền nam California, cho hay có biết một nhóm sinh viên đi phát tờ rơi với nội dung kêu gọi cảnh giác đối với những người gốc Á nếu muốn phòng tránh dịch viêm phổi Vũ Hán. May mắn là cô và các bạn gốc Việt cùng lớp vẫn chưa trở thành nạn nhân của làn sóng kỳ thị này. “Có lẽ do phân nửa số sinh viên trong trường tôi đều gốc Á, và cũng có thể do tôi tự lái xe đến trường mà không phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng”, theo cô.
|
Minh Le cho hay cô cũng đọc được một trường hợp liên quan đến dịch nCoV trên báo The Los Angeles Times. Theo đó, anh Andrew Nguyen, 22 tuổi, làm việc cho cửa hàng quần áo ở West Hollywood (bang California, Mỹ), cảm thấy người khách trước mặt nhìn mình một cách kỳ dị.
Khi Nguyen tiếp lấy món hàng (một chiếc mặt nạ thời trang) và mở bao bì để quét mã tính tiền, tay của anh lỡ chạm lên bề mặt vải. Thế là người khách lập tức chặn lại và nói một cách thô lỗ: “Có thể đổi cho tôi món đồ khác không?”. “Tại sao?”, Nguyen hỏi, và nhận được câu trả lời từ người đối diện: “Bởi vì anh đã sờ tay lên món hàng”.
Chuyện xảy ra khi các đoạn băng ghi lại cảnh tượng một số người châu Á ăn thịt rừng và húp súp dơi lan truyền trên mạng. Anh Nguyen cảm thán: “Có lẽ ông ta đã xem một trong những đoạn băng đó”.
Trong khi đó, giới chức y tế Mỹ cảnh báo rằng lẽ ra người dân nước này không nên quá sợ hãi nCoV. Đồng ý là ít nhất đang có 12 trường hợp nhiễm vi rút Corona mới xuất hiện tại Mỹ, nhưng chưa có ca tử vong. Ngược lại, từ tháng 10.2019 đến 25.1, số Mỹ người chết vì bệnh cúm ước tính dao động từ 10.000 - 25.000 người, theo số liệu thống kê chính thức của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Đeo khẩu trang là bị xa lánh
Mạnh mẽ để đối phóChị Ngân Linh, sống tại quận 10 ở thủ đô Paris (Pháp), kể mới đây chị cùng đồng nghiệp đang đi bộ về công ty sau bữa ăn trưa thì gặp một người đi ngược chiều. Người này thấy chị Linh thì khuôn mặt lộ vẻ rất hoảng hốt, lấy tay che miệng, rồi như kiểu chạy để tránh ra xa.
Chị Linh nói thêm chị sống ở Pháp 3 năm nay song đây là lần đầu tiên trải qua tình trạng phân biệt sắc tộc kiểu như vậy. Chị Linh cho hay chị mong người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung trong những ngày này sẽ luôn mạnh mẽ để đối phó với mọi loại phân biệt chủng tộc.
Châu Yên
|
Sau nhiều năm sống ở Úc, cô Nguyễn Ngọc Hiền, giáo viên một trường mẫu giáo ở TP.Sydney (bang New South Wales, Úc), lần đầu tiên chứng kiến sự kỳ thị. “Chính quyền địa phương không khuyến cáo, nhưng để đề phòng, tôi luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tuy nhiên, ngay khi bước lên xe buýt, không ai dám ngồi cạnh tôi, thậm chí có người đang ngồi đứng lên tránh xa với ánh mắt đề phòng”, cô Hiền kể lại.
Trả lời Thanh Niên, cô Erin Chew, nhà hoạt động xã hội tại tổ chức Liên minh vì cộng đồng người Úc gốc Á ở TP.Sydney, cho biết: “Trên xe lửa, tôi nghe thấy hai phụ nữ lớn tuổi dè bỉu nói: Cô gái kia ho kìa, chắc là vừa trở về từ Trung Quốc và nhiễm vi rút Corona rồi. Những chuyện như thế này ngày càng trở nên phổ biến”.
Nhiều người Úc có lẽ tin tưởng vào chiến lược phòng dịch của chính phủ, nên không hề đeo khẩu trang ở nơi đông người và phương tiện giao thông công cộng. “Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tôi chỉ nhận thấy đa số người gốc Á đeo khẩu trang. Đôi khi tôi có cảm giác mình là người ngoài hành tinh khi xung quanh không ai đeo khẩu trang phòng dịch bệnh”, cô Nguyễn Xuân Linh, quản lý một siêu thị thuốc ở TP.Melbourne (bang Victoria, Úc), cho biết.
Nguy hiểm hơn nCoV
“Mọi người bị nỗi sợ hãi thống trị. Hậu quả là những người gốc Á, dù không phải gốc Hoa, đều bị xem là từ Trung Quốc. Thay vì tập trung thông tin về cách giữ gìn sức khỏe và đề phòng vi rút lây lan, một số tờ báo, trang tin và mạng xã hội chọn cách phân biệt chủng tộc”, theo cô Chew. Chẳng hạn, tờ The Daily Telegraph (Úc) ngày 30.1 đăng tải bài viết với nội dung kỳ thị, cường điệu hóa nCoV là “vi rút Trung Quốc” và “Trẻ em Trung Quốc phải ở nhà”.
Thực chất chính quyền bang New South Wales chỉ khuyến cáo cha mẹ nếu gần đây đến Trung Quốc thì không nên cho con đến trường hoặc nhà trẻ. “Tại trường mẫu giáo nơi tôi công tác, ban giám hiệu chỉ thông báo không tiếp nhận những trẻ bị sổ mũi hoặc cảm cúm hơn 1 ngày do lo ngại lây lan cho bé khác”, cô Hiền cho biết.
Ngoài ra, một số nhà hàng ở TP.Sydney và Melbourne bị lên án gay gắt trên Twitter vì không tiếp khách hàng Trung Quốc. Điều này khiến người gốc Việt bức xúc do bị nhân viên đánh đồng vì giống màu da. Cô Chew chia sẻ hình ảnh trên Twitter và kêu gọi cộng đồng tẩy chay một quán cà phê ở Sydney vẽ lên tủ kính dòng chữ: “Vi rút sẽ không bền lâu vì nó được sản xuất tại Trung Quốc”.
“Vi rút có thể được ngăn chặn được nhưng nạn phân biệt chủng tộc thì tồn tại dai dẳng”, cô Chew nói.
Bình luận (0)