“Cửa ngõ kiểm dịch” đầu tiên của cơ thể
Theo TS-BS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), vi rút gây viêm đường hô hấp như nCoV tồn tại trong dịch tiết đường hô hấp của người nhiễm trong cả thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ phát bệnh. Khi người bệnh khạc nhổ hoặc hắt hơi sẽ làm dịch tiết phát tán trong không khí. Khi người bình thường vô tình hít phải do bị người nhiễm bệnh hắt hơi, ho, vi rút nCoV phát tán qua dịch tiết sẽ lọt vào mũi. Tuy nhiên, ngay khi lọt vào hốc mũi thì 95% hạt dịch tiết chứa vi rút sẽ được niêm dịch trong hốc mũi bắt lại và được dẫn xuống họng, sau đó được nuốt xuống dạ dày và bị dịch dạ dày tiêu diệt.
Trường hợp vi rút tấn công niêm mạc mũi sẽ gây triệu chứng nghẹt tắc mũi và chảy nước mũi rất nhiều. “Nhưng cần phải hiểu rằng tăng tiết dịch, hắt hơi là phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm tống nhanh nhất có thể tác nhân gây bệnh ra ngoài. Vì vậy, người bệnh cần hỗ trợ cho quá trình này bằng cách làm thông đường thở bằng thuốc co mạch và rửa mũi bằng nước mũi sinh lý”, TS Hải cho hay.
Có thể phòng nhiễm nCoV bằng khẩu trang vảiTrước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCoV diễn biến phức tạp, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN, khuyến cáo mới nhất về đeo khẩu trang đúng cách phòng lây nhiễm vi rút nCoV trong cộng đồng.
Theo đó, người dân có thể đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thông thường. Khẩu trang vải khi đeo che kín cả mũi lẫn miệng. Tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo, chỉ cầm vào dây đeo qua tai khi tháo. Khẩu trang vải cần được giặt sạch thường xuyên với xà phòng.
Với khẩu trang y tế thông thường: đeo mặt xanh (hoặc mặt có màu đậm rõ hơn ra ngoài), mặt trắng vào trong; kẹp nhôm hướng lên trên, chỉnh ôm kín cả mũi lẫn miệng. Khi tháo khẩu trang ra, chỉ cầm vào dây đeo qua tai và cho vào thùng rác có nắp.
Với tất cả mọi người, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay để phòng bệnh.
|
Ho có tác dụng đối phó vi rút
TS-BS Lê Thanh Hải lưu ý, tuyệt đối không dùng thuốc có chất giảm tiết dịch mũi vì sẽ làm dịch này keo lại và tồn tại vi rút lâu hơn trong mũi xoang. Khi niêm dịch tăng tiết nhiều sẽ chảy qua cửa mũi sau xuống họng, vượt qua thành họng sau và chảy vào miệng thanh quản, khi đó cơ thể sẽ xuất hiện phản xạ bảo vệ tiếp theo là ho lộc khộc. Nhưng lúc này cũng không được giảm ho bằng bất kỳ biện pháp nào, vì nếu giảm ho sẽ làm dịch chứa vi rút xâm nhập vào đường thở dưới (thanh, khí, phế quản, phổi) gây ra viêm thanh khí phế quản phổi rất nguy hiểm, có thể gây tử vong cao.
TS Hải lưu ý, tuyệt đối không dùng thuốc có thành phần giảm tiết dịch mũi và thuốc giảm ho các loại để cơ thể có được các phản ứng tự nhiên ngăn ngừa tồn tại của vi rút ở mũi, xoang hay làm viêm thanh khí phế quản phổi.
Nên duy trì rửa mũi bằng nước muối sinh lý ít nhất 2 lần/ngày bằng bình rửa mũi chuyên dụng. Khi có dấu hiệu nghẹt tắc mũi, chảy mũi, hắt hơi, cần dùng thêm thuốc co mạch và rửa mũi đúng cách, đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chỉ định đúng. Nên đeo khẩu trang đúng cách để phòng lây, nhiễm bệnh do nCoV hoặc một số vi rút khác lây qua đường hô hấp.
Bình luận (0)