Gần 1 tháng kể lúc Trung Quốc xác nhận “đang kiểm tra” hàng chục ca nhiễm đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), đến ngày 26.1 số người chết đã tăng lên 56 người và gần 2.000 trường hợp nhiễm vi rút corona mới (2019-nCoV) gây dịch bệnh viêm phổi lạ.
Sự chậm trễ này được xem là tình trạng khá quen thuộc ở Trung Quốc, khi quan chức địa phương hoặc xem nhẹ những dấu hiệu cảnh báo sớm, hoặc đơn giản là không phối hợp chặt chẽ với nhau để thấy được toàn bộ quy mô dịch bệnh, theo tờ The New York Times.
Lỗi hệ thống
Các chuyên gia quốc tế cho rằng việc chính quyền địa phương tìm cách che đậy ban đầu mới là nguyên nhân chính khiến dịch viêm phổi lạ lan rộng khắp trong lẫn ngoài nước.
Trong bộ máy phân cấp cứng nhắc, các quan chức địa phương sẽ không dám báo cáo “thông tin xấu” lên sếp lớn ở trung ương để nhờ hỗ trợ, theo giới chuyên gia.
“Đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ chứng kiến bất kỳ cuộc khủng hoảng nào nổi lên ở cấp địa phương ở Trung Quốc, mà toàn là cả nước”, theo ông John Yasuda, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Indiana (Mỹ).
“Khi tình hình dịch viêm phổi lạ ở địa phương trở nên cực kỳ nghiêm trọng thì mới được trình lên chính quyền trung ương, lúc đó chúng ta mới biết thông tin chính thức”, ông Yasuda nói.
Không có bất kỳ hệ thống chính trị nào là hoàn mỹ để giải quyết khủng hoảng y tế. Tuy nhiên, điểm yếu “thiếu thông tin liên lạc, kết nối” giữa chính quyền địa phương và trung ương đã mang lại hậu quả nghiêm trọng cho Trung Quốc và cả thế giới.
Đến nay, vi rút corona mới (2019-nCoV), thuộc chủng corona gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), bùng phát từ thành phố Vũ Hán và lan rộng đến ít nhất 30 khu vực và tỉnh thành ở Trung Quốc cùng nhiều nước trên thế giới.
Tái diễn kịch bản dịch bệnh SARS
“Cách Trung Quốc xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán cũng giống như những gì đã xảy ra với SARS (2002-2003)”, chuyên gia Yasuda nói.
Dịch SARS lan rộng đến mức mất kiểm soát do giới chức địa phương “làm đẹp”, hạ thấp mối đe dọa trong những báo cáo ban đầu. Họ lo sợ nếu báo cáo đúng sẽ bị mất chức, theo ông Yasuda.
Ông Quản Dật, chuyên gia vi sinh học hàng đầu tại Đại học Hồng Kông từng giúp ứng phó dịch SARS, chỉ trích chính quyền Vũ Hán trì trệ trong xử lý dịch bệnh, bao gồm ngăn chặn ông tiếp cận ổ dịch được xác định là chợ hải sản Hoa Nam ở trung tâm thành phố.
"Đây là chuyện vẫn đang tiếp diễn trong quan hệ trung ương - địa phương ở Trung Quốc. Chẳng ai muốn mình là người mang tin dữ", Vivienne Shue, một học giả nổi tiếng về Trung Quốc tại Đại học Oxford, nhận xét.
|
Trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ngày 25.1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu: “Đất nước đối mặt tình trạng nghiêm trọng do sự lây lan nhanh chóng của vi rút mới… chúng ta cần phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc", theo Tân Hoa xã.
Trong báo cáo mới công bố, nhóm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London (Anh) cảnh báo dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán "rõ ràng là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu", bất kể WHO trong tuần này vẫn chưa tuyên bố đây là tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu.
Các chuyên gia cảnh báo động thái phong tỏa hàng loạt thành phố và cấm công dân du lịch nước ngoài là quá muộn màng nên chính phủ Trung Quốc khó có thể ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tiếp tục lan rộng.
Bình luận (0)