Vì sao ăn khoai tây có mầm, chuyển màu xanh có thể gây ngộ độc?

03/10/2022 16:32 GMT+7

Tôi nghe nói khoai tây mọc mầm, vỏ chuyển sang màu xanh là rất độc không ăn được, xin hỏi bác sĩ vì sao, có thể gọt bớt đi để ăn không? ( Lê Tuyết , 38 tuổi, ở Bình Dương )

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:

Mầm khoai tây chứa solanine là một chất có độc tính cao ngay cả với lượng nhỏ. Chất này có ở khoai tây, nhưng tập trung nhiều nhất ở mầm mới nảy và quả khoai tây có màu xanh. Triệu chứng khi bị ngộ độc là nhức đầu, tiêu chảy, đau bụng, trường hợp nặng có thể hôn mê, tử vong.

Để tránh ngộ độc chất solanine, không ăn khoai tây đã bị hỏng, có mầm hoặc có màu xanh dưới lớp vỏ. Có thể ăn khoai tây không có màu xanh hoặc đã bỏ phần mầm; tuy nhiên, để an toàn nhất thì không nên ăn khoai tây đã nảy mầm.

Theo Healthline, việc bảo quản khoai tây ở nhiệt độ thích hợp rất quan trọng để ngăn chặn mức độ phát triển solanine. Sau khi lựa chọn khoai tây tươi, nên bảo quản chúng nơi tối và mát như tầng hầm, để khoai tây trong bao tải hoặc túi nhựa trong suốt để tránh ánh sáng. Thông thường mọi người hay để ở nhà bếp nhưng nơi đây quá ấm để cất giữ khoai tây.

Không ăn khoai tây khi vỏ đã chuyển sang màu xanh

shutterstock

Tuy nhiên việc bảo quản khoai tây trong tủ lạnh không phải là ý hay, vì một số nghiên cứu cho thấy lượng solanine tăng lên do bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh.

Nếu bạn không có nơi đủ mát để bảo quản khoai tây, chỉ nên mua số lượng vừa đủ để sử dụng. Bảo quản chúng trong một chiếc túi đặt phía sau tủ hoặc trong ngăn tủ, nơi có thể tránh ánh sáng và nhiệt độ ấm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.