Vì sao 'Ballet Kiều' chưa công diễn đã được 'đặt hàng' tái diễn?

11/06/2020 06:00 GMT+7

Ngày 20.6, Ballet Kiều do các nghệ sĩ múa Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM biểu diễn sẽ ra mắt tại Nhà hát TP.HCM; sau đó vào 22.7, vở sẽ tái diễn từ sự "đặt hàng" của Hội Hữu nghị Việt-Mỹ.

Đó là tin vui vừa được Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) - NSƯT Trần Vương Thạch chia sẻ trong buổi ra mắt tác phẩm ballet đầu tiên dành cho thân phận nàng Kiều. Và sau đêm diễn 22.7 nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, Ballet Kiều sẽ đến với khán giả thủ đô vào 14.8 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. 

Trailer vở Ballet Kiều 

Ballet Kiều được chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du - kiệt tác văn học Việt, cũng là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Việt Nam được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Đây là một dự án nghệ thuật lớn, ấp ủ những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ dựa trên nền tảng kỹ thuật ballet hiện đại chuẩn mực.
Kịch bản của Ballet Kiều do nghệ sĩ Tuyết Minh chuyển thể, được Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tuyển chọn trong cuộc vận động sáng tác kịch bản múa năm 2019. Nghệ sĩ Tuyết Minh và nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng cùng dàn dựng, biên đạo múa cho toàn bộ tác phẩm. 
Cũng cần nói thêm, Ballet Kiều nằm trong chương trình hành động của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam năm 2020, được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phối hợp với HBSO tổ chức dàn dựng và công diễn.

Ballet Kiều là tác phẩm cổ điển nhưng được thể hiện qua tư duy, cảm xúc, thẩm mỹ đương đại

Ảnh: Phúc Hải

Theo biên đạo và cũng là tổng đạo diễn Ballet Kiều Tuyết Minh: "Là một biên đạo múa nhưng với vị trí công tác của tôi: chuyên viên Phòng Nghệ thuật - Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhiệm vụ chính là theo dõi các đơn vị nghệ thuật ca, múa, nhạc toàn quốc, tổ chức các cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật và quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, nên khách quan mà nói, hiện nay đoàn vũ kịch của HBSO đang hội tụ được một dàn diễn viên trẻ hùng hậu cả về số lượng và chất lượng kỹ thuật, kỹ xảo, đặc biệt 2 biên đạo múa Phúc Hải và Phúc Hùng. Khi trực tiếp làm việc với các nghệ sĩ, tôi hoàn toàn yên tâm vào nền tảng kỹ thuật, sự dày dạn, bản lĩnh trong xử lý các tình huống trên sân khấu. Chính sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ cũng truyền lửa lại cho tôi...".
Với biên đạo múa Phúc Hùng thì: "Đây là dịp để các nghệ sĩ của nhà hát chúng tôi gửi gắm, trình làng những hoài bão, khám phá nghề nghiệp tới khán giả cũng như anh em đồng nghiệp trong cả nước, cùng khích lệ tinh thần học hỏi và sáng tạo nghệ thuật”.

Những nét đặc sắc khi Kiều lần đầu vào ballet

Vở diễn gồm 3 hồi, 15 cảnh. Trong đó, như chia sẻ của biên đạo Tuyết Minh, điều làm nên sự thu hút của Ballet Kiều trước hết là lối đặt vấn đề khá ấn tượng bằng sự kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật Hologram (kỹ thuật trình chiếu nổi 3 chiều), khi mà cảnh múa ballet dưới nước được đạo diễn dàn dựng khá kỳ công, cùng sự quyết liệt của 2 nữ nghệ sĩ Trần Hoàng Yến và Kim Tuyền khi thể hiện. “Chúng tôi đã phải đầm mình dưới nước 7 - 8 tiếng đúng vào lúc Hà Nội đang ở nhiệt độ của tiết trời mùa đông, phải nhịn thở rất lâu để lặn xuống mới có thể múa được và đủ lâu để có thể ghi hình, nhưng hiệu quả nghệ thuật tương tác, chuyên chở ý đồ của vở diễn thì rất hiệu quả”, tổng đạo diễn Tuyết Minh nói.

Tổng đạo diễn - biên đạo Tuyết Minh và nhạc sĩ Chinh Ba

Ảnh: HBSO

Kế đến, là sự kết hợp của kết cấu ngôn ngữ múa. Biên đạo Tuyết Minh cho biết khá tự tin vào cách tìm kiếm, sáng tạo của ê kíp biên đạo khi tìm ra phong cách kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo, vốn múa dân tộc Kinh để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở diễn.
Thứ ba là âm nhạc. Ê kíp thực hiện cho biết, với định hướng âm nhạc phải hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống… Phần nhạc cho những đại cảnh, trữ tình do nhạc sĩ Việt Anh viết, những phân đoạn thể hiện nét tính cách, sự biến đổi được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển trên những nét âm nhạc truyền thống - rất phá cách.

 

 

Ballet Kiều sẽ là thách thức lớn nếu không quy tụ được nhiều diễn viên solist đảm nhận những vai diễn chính diện và phản diện, ngay cả những nhân vật kể chuyện cũng là người chở thông điệp của tác phẩm nên đòi hỏi có chuyên môn cao

Ảnh: Phúc Hải

Thứ tư là trang trí sân khấu và thiết kế ánh sáng được giao cho họa sĩ Anh Dũng và nghệ sĩ Phúc Hải, mà theo tổng đạo diễn, ê kíp chú ý đến tạo hình mỹ thuật và đánh khối bằng ánh sáng tạo không gian cho cảnh diễn, tất cả phải chuyên chở ý đồ của vở diễn chứ không dừng lại ở trang trí cho đẹp.
Thứ năm là thiết kế trang phục. Bởi như nhìn nhận của biên đạo, tổng đạo diễn Tuyết Minh, nhà thiết kế Khánh Diệp sẽ phải đứng trước thách thức về văn hóa, với biến tấu từ trang phục tứ thân, áo the của người Việt nhưng phải tôn lên được đường nét cơ thể cho vũ công ballet, đặc biệt là đôi chân của các nữ vũ công khi mang giày mũi cứng, đối với nam vũ công là sự bay bổng, chất liệu nhẹ nhàng khi bay, nhảy, thực hiện các kỹ thuật khó như tua trên không, kỹ thuật bê đỡ khó giữa nam và nữ...
Dưới đây là những hình ảnh tập luyện của các nghệ sĩ:

Kiều được Đạm Tiên báo mộng

Ảnh: Phúc Hải

 

Kiều và Thúc Sinh

Ảnh: Phúc Hải

 

Một cảnh trong lầu xanh

Ảnh: Phúc Hải

Cảnh trong lầu xanh

Ảnh: Phúc Hải

Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng trong vai người dẫn chuyện, đồng thời anh cũng đảm nhận nhân vật Tú Bà của Ballet Kiều

Ảnh: Phúc Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.