Vì sao bạn chọn Sài Gòn để sinh sống?

02/04/2019 16:43 GMT+7

'Mình rất yêu quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên nhưng hiện tại mình đã quyết định chọn Sài Gòn để làm nơi sinh sống', anh Bùi Văn Toàn, 31 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng hạ tầng Nam Việt, Q.Tân Bình, TP.HCM), chia sẻ như thế.

Nhiều trải nghiệm thú vị 

Sở dĩ anh Toàn chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp và sinh sống “Là vì vùng đất này mình đã gặt hái được nhiều thứ không những cho bản thân, gia đình, mà còn góp phần xây dựng quê hương nơi mình sinh ra ngày một tốt hơn”.
Sài Gòn nhộn nhịp mỗi dịp lễ hội. Ảnh mọi người tham quan, vui chơi tại Công viên Tao Đàn, Q.1 Lê Thanh
Anh Toàn cho biết: “Quê mình ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 9.2007, khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, lúc đó mình có suy nghĩ học xong sẽ về quê làm việc cho thanh bình nhưng sau đó lại thay đổi quyết định. Bởi khi vào Sài Gòn học, mình được mở mang tầm mắt, thấy điều kiện sống thuận tiện hơn...".
Để khẳng định chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống như là quê hương thứ 2 của mình, anh Toàn bật mí: “Mình đã chọn cô người yêu dân Sài Gòn và tháng 6 này tụi mình sẽ làm đám cưới”.
Một góc của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM Lê Thanh
Với thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung (quê tỉnh Đắk Lắk), hiện công tác tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thì chia sẻ: “Tôi đã sống ở Sài Gòn hơn 15 năm. Không quá dài, nhưng đủ để gắn bó, đủ để cảm nhận những thay đổi của nơi đây và của chính tôi sau những trải nghiệm, cả những chông chênh. Tôi hiểu Sài Gòn qua ngôi Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM nơi tôi từng học, ký túc xá tôi ở, những nhà trọ tôi đã đến và đi, những nơi tôi làm việc, những con đường, những quán ăn, những con người tôi gặp và cả… những chiếc lá rụng trên đường về”.
Theo thạc sĩ Xuân Dung, có thể vì quá bận rộn, nhiều người chỉ kịp nhìn thấy Sài Gòn qua những trang báo với những vụ cướp giật, những clip bạo lực học đường,... và người ta hay than thở với nhau là người Sài Gòn đang trở nên vô cảm.
“Nhưng tôi thì khác. Sài Gòn vẫn luôn mang đến cho tôi những cảm xúc đặc biệt, có thể chỉ đến từ những thời khắc rất bình dị trong ngày, như một buổi sáng thức dậy sớm ngắm thành phố từ ô cửa hẹp, chọn đến nơi làm việc bằng một con đường xa hơn bình thường nhưng nhiều kỷ niệm, hoặc thi thoảng cuối tuần vào bệnh viện phụ nhiều bạn trẻ khác tặng cơm miễn phí cho bệnh nhân,… Và ở đó, có biết bao người đang sống quanh tôi, quan tâm, yêu thương và chăm sóc tôi, làm cho cuộc sống của tôi đẹp hơn và ý nghĩa hơn”, thạc sĩ Xuân Dung bộc bạch.
Dinh Độc Lập nhìn từ xa Lê Thanh

Cơ hội phát triển bản thân tốt hơn

Anh Nguyễn Thanh Liêm (quê tỉnh Đắk Lắk), hiện ngụ tại ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM, là Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát (Q.Tân Bình), cho rằng: “Sài Gòn là nơi có nhiều cơ hội phát triển bản thân tốt hơn quê nhà”.
Anh Liêm chia sẻ: “Hơn 20 năm ở đất Sài Gòn, tôi thấy con cái có điều kiện học hành đàng hoàng, môi trường phát triển nghề nghiệp của tôi cũng rộng mở hơn, được tiếp cận với những thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật sớm, giúp cho cuộc sống tốt lên nhiều hơn. Mặc dù đâu đó cũng còn những hạn chế làm cho người ta khó chịu, như: nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự xã hội chưa tốt lắm, nhưng Sài Gòn vẫn là nơi thu hút nhiều người trẻ tụ về để học tập và sinh sống. Vì đây là thành phố có nhiều cơ hội để bạn có thể nắm bắt cho bản thân mình”.
Sài Gòn nhộn nhịp, hối hả nhưng chúng ta cũng có thể bắt gặp những hình ảnh bình yên như thế này Lê Thanh
Còn chị Lê Hạ Viên (quê tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 34 tuổi, ngụ tại tầng 16, chung cư Citygate, Q.8 (TP.HCM), nói: “Tính đến nay, tôi đã gắn bó với Sài Gòn gần 15 năm, 15 năm đó tôi đã học tập và chọn lập nghiệp sinh sống tại đây. Với tôi, Sài Gòn là quê hương thứ hai”.
Chị Hạ Viên, chia sẻ: “Có thể nói, cả tuổi thanh xuân của tôi đã gắn bó với Sài Gòn, từ thời sinh viên cho đến khi đi làm. Sài Gòn cũng cho tôi nhiều cơ hội làm được công việc yêu thích ở lĩnh vực truyền thông. Mà tôi tin chắc chỉ có ở Sài Gòn thì ngành nghề của mình mới có được nhiều cơ hội thể hiện và phát triển”.
Đường Lê Duẩn, xuyên qua Công viên 30 Tháng 4, Q.1 Lê Thanh
Gắn bó gần 15 năm, chị Hạ Viên cảm nhận: “Sài Gòn có nhịp sống xô bồ nhưng con người lại rất bình dị. Có những ngày trời nắng gắt, đi qua những góc ngã tư, bạn dễ bắt gặp những thùng nước đá miễn phí. Người Sài Gòn cũng hào sảng lắm, thích giúp đỡ người chẳng may gặp chuyện không hay trên đường... Tôi nghĩ Sài Gòn không chỉ đẹp về cách sống, mà còn cho tôi nhiều cơ hội thử thách bản thân và phát triển trong công việc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.