Vì sao bảng xếp hạng 140 thành phố ĐH tốt nhất thế giới không có Việt Nam?

02/03/2023 18:29 GMT+7

Trong bảng xếp hạng 140 thành phố đại học tốt nhất thế giới năm 2023, Việt Nam không có tên. Trong khi đó, khu vực ASEAN có đến 7 thành phố thuộc các quốc gia Singapore, Malaysia (1), Thái Lan (1), Philippines (1) và Indonesia (3) nằm trong danh sách này.

Đó là thông tin được các chuyên gia đưa ra trong hội nghị "Vai trò, tác động của bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng và đối sánh trong đánh giá chất lượng giáo dục đại học (ĐH)" tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ngày 2.3.

Có xếp hạng mới được "tìm thấy"?

Tại hội thảo, GS-TS-NGND Nguyễn Hữu Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng trường ĐH mà không có xếp hạng thì giống như không tồn tại vì chỉ có xếp hạng thì mới được "tìm thấy" trên bản đồ ĐH khu vực và thế giới.

Ông Đức, thạc sĩ Trần Mai Anh và tiến sĩ Tạ Thị Thu Hiền đã tiến hành nghiên cứu về "thách thức của giáo dục ĐH Việt Nam qua kết quả kiểm định chất lượng, xếp hạng và xếp hạng đối sánh".

Kết quả nghiên cứu này cho thấy, giáo dục ĐH Việt Nam trong xếp hạng chung có thể thuộc nhóm 70 của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở giáo dục ĐH thuộc top 10 của ASEAN theo bảng xếp hạng QS và đặc biệt chưa thể vượt qua được "bẫy" top 5 ASEAN.

"Đáng chú ý là trong bảng xếp hạng 140 thành phố ĐH tốt nhất thế giới năm 2023, Việt Nam không có tên. Trong khi đó, khu vực ASEAN có đến 7 thành phố thuộc các quốc gia Singapore (1), Malaysia (1), Thái Lan (1), Philippines (1) và Indonesia (3) nằm trong danh sách này. So với tầm khu vực, xu thế phát triển của nước ta đang bị chậm lại, đạt ngưỡng và khả năng tăng trưởng đã bị hạn chế", GS-TS Đức chia sẻ.

Trường đại học mà không có xếp hạng thì coi như "không tồn tại"? - Ảnh 1.

Giảng viên tham gia hội thảo

MỸ QUYÊN

Theo ông Đức, thế giới có 30.000 trường ĐH thì chỉ có 1.000 trường được xếp hạng. Vậy 29.000 trường còn lại phải làm thế nào để được "tìm thấy"?

"Kiểm định chất lượng thì chỉ đánh giá được chất lượng tối thiểu của trường ĐH trong một quốc gia. Trong khi xếp hạng thì lại thiên về nghiên cứu và có tính cạnh tranh quá khốc liệt. Để giải quyết được hạn chế đó, có một xu hướng đang diễn ra tại các quốc gia, đó là tích hợp giữa kiểm định chất lượng với xếp hạng, mở ra bảng xếp hạng đối sánh", ông Đức lưu ý.

Theo ông Đức, xếp hạng đối sánh không phải là xếp hạng 1, 2, 3, 4… mà là xếp hạng theo 5 nhóm: 5 sao, 4 sao, 3 sao, 2 sao và 1 sao. "Các trường sẽ đáp ứng bộ tiêu chuẩn xếp hạng đối sánh để nhận diện được mình đang ở nhóm nào, từ đó thay đổi để cải thiện, chứ không phải để thấy mình đang ở số mấy", ông Đức phân tích.

Chuẩn đầu ra của ĐH chính là đầu vào của doanh nghiệp

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đề cập đến vấn đề chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Đây là một yếu tố quan trọng của chất lượng giáo dục, góp phần tạo nên thương hiệu của một trường ĐH.

PGS-TS Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng, cho biết chuẩn đầu ra đến từ nhu cầu của các bên liên quan nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

"Hầu hết cơ sở ĐH đều "vướng" chỗ này, thường copy trên mạng chứ không phải là kết quả của một quy trình mang tính hệ thống, phải có sự thực hiện đồng bộ từ giảng viên, sinh viên, từ nhóm ngành đến chuyên ngành, từ thiết kế chương trình đến điều kiện dạy học và cuối cùng là đánh giá chủ quan và khách quan", ông Tuấn nói.

Trường đại học mà không có xếp hạng thì coi như "không tồn tại"? - Ảnh 2.

PGS-TS Huỳnh Văn Chương (giữa) và các chuyên gia tại hội thảo

MỸ QUYÊN

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng các trường ĐH ở Việt Nam đang tập trung rất nhiều vào tuyển sinh, còn việc đảm bảo chất lượng đầu ra lại chưa quan tâm.

"Do đó, chúng ta cần xem xét lại cách xây dựng chuẩn đầu ra vì lâu nay thường thiết kế thông qua điểm số. Giảng viên cũng phải hiểu quy trình này chứ không phải xem việc xây dựng chuẩn đầu ra đảm bảo chất lượng cũng như việc kiểm định chất lượng giáo dục là của những người đứng đầu trường ĐH. Cần có sự phối hợp của cả hệ thống", tiến sĩ Ngọc nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Tiến Đạt, Giám đốc nhân sự của Đông Phương Group, cho hay doanh nghiệp mình vẫn cùng các trường tham gia khâu xây dựng, thiết kế nội dung chương trình giảng dạy nhằm tiệm cận với nhu cầu thực tế để chuẩn bị cho sinh viên tham gia vào thị trường lao động.

"Doanh nghiệp cũng tham gia đánh giá cả đầu ra. Bởi lẽ sản phẩm đầu ra của trường ĐH chính là sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp, nên nếu chuẩn đầu ra có tốt thì doanh nghiệp mới tuyển dụng được", ông Đạt cho hay.

Đầu vào, quy trình đào tạo và đầu ra đều quan trọng

Tham dự hội thảo, PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết có 3 yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của một trường ĐH: đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra.

"Nếu đầu vào không đạt tiêu chí thì cũng sẽ khó đảm bảo chất lượng. Đối với quá trình đào tạo, Bộ GD-ĐT đã rà soát lại chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn chung và đang tiếp tục hoàn thiện. Chuẩn đầu ra vẫn được xem là quan trọng nhất, Bộ GD-ĐT đang giám sát và mong các trường ĐH cam kết với xã hội về sản phẩm đầu ra của mình", ông Chương lưu ý.

Theo PGS-TS Chương, giáo dục là nhân văn, hướng đến việc đào tạo theo sự tiến bộ của người học chứ đừng nên chăm chăm yêu cầu mọi sinh viên đều phải đạt chuẩn đầu ra như nhau.

"Chúng ta đánh giá chất lượng giáo dục chứ không phải đánh giá chất lượng đầu ra theo kết quả học tập. Phải có giải pháp cụ thể, khác nhau với từng nhóm người học vì mỗi người đến từ nhiều vùng khác nhau. Bên cạnh đó, cũng không thể lấy chuẩn đầu vào của một doanh nghiệp để áp thành chuẩn đầu ra cho tất cả doanh nghiệp", ông Chương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.