Vì sao Bộ Công thương đề xuất giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

02/02/2023 08:35 GMT+7

Bộ Công thương đề xuất Chính phủ chọn phương án giữ nguyên quy định quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu để duy trì một công cụ điều hành bảo đảm can thiệp bình ổn giá hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát.

Trong tờ trình gửi Chính phủ liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương bày tỏ quan điểm giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá nhưng có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng. Theo Bộ Công thương, từ góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, tổ soạn thảo đề xuất 3 phương án đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Vì sao Bộ Công thương đề xuất Chính phủ không bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ?  - Ảnh 1.

Bộ Công thương đề xuất giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để can thiệp khi cần thiết

NGỌC THẮNG

Phương án 1: Giữ nguyên quy định về quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện hành. Phương án này có ưu điểm là Nhà nước duy trì được một công cụ điều hành giá khá linh hoạt, không phát sinh chi ngân sách và bộ máy vận hành, bảo đảm can thiệp bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Quỹ bình ổn giá được hình thành dựa trên mức ứng trước trong giá xăng dầu khi giá thấp để bù vào giá khi giá xăng dầu tăng cao nhằm hạn chế biên độ biến động của giá xăng dầu trong một giai đoạn nhất định, phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô chung của Chính phủ trong từng thời kỳ, hạn chế mức tác động tâm lý đến thị trường các mặt hàng khác.

Nhưng có nhược điểm, quỹ được hình thành dựa trên mức ứng trước trong giá xăng dầu khi giá thấp để bù vào giá khi giá xăng dầu tăng cao nên khi giá thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh giảm nhưng mức giảm không tương ứng (một phần giảm đã được trích vào Quỹ bình ổn giá) dẫn đến những thắc mắc từ phía người tiêu dùng. Trường hợp số dư Quỹ bình ổn âm, doanh nghiệp phải vay vốn để bù đắp, ngân hàng thương mại không có cơ chế tín dụng riêng hỗ trợ doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Phương án 2: Tiếp tục giữ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.

Phương án này có ưu điểm, Nhà nước vẫn có công cụ để điều hành giá xăng dầu khi cần thiết nhằm thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời có sự điều chỉnh theo hướng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào giá xăng dầu trên thị trường, đưa mặt hàng xăng dầu dần vận hành theo thị trường.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là các doanh nghiệp tiếp tục phải thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo chỉ đạo điều hành của Nhà nước. Giá xăng dầu tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước nên sẽ có những ý kiến thắc mắc, thậm chí không đồng thuận nhất định khi thực hiện việc điều hành giá chưa phù hợp với lợi ích của một số doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng, khi giá tăng không được tăng hết hoặc khi giá giảm không được giảm hết theo biến động của giá thế giới.

Phương án 3: Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước chỉ quy định công thức tính giá chung, công bố một số khoản trong cơ cấu giá định hướng (gồm giá thế giới, các loại thuế, phí thu vào ngân sách Nhà nước). Doanh nghiệp tự xác định chi phí thực tế của doanh nghiệp cùng với các yếu tố do Nhà nước công bố để tính giá bán xăng dầu của đơn vị mình ra thị trường và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các mức chi phí phát sinh trước pháp luật. Nhà nước thực hiện hậu kiểm để giám sát việc xác định các mức chi phí nêu trên.

Phương án này tạo sự linh hoạt hoàn toàn cho doanh nghiệp, giá bán xăng dầu phù hợp với các chi phí phát sinh của từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh và cung cấp xăng dầu ổn định hơn cho thị trường; tăng mức độ cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước không có công cụ can thiệp và điều tiết để điều hành kinh tế vĩ mô chung (do xăng dầu là đầu vào quan trọng của đời sống kinh tế xã hội). Đặc biệt, khi giá xăng dầu tăng cao hoặc vào những giai đoạn nhạy cảm, thị trường có nhiều biến động và làm giá của các mặt hàng khác nhau tăng theo. Ở một số địa bàn có mức độ cạnh tranh thấp, không khuyến khích các doanh nghiệp tiết giảm chi phí để giảm giá bán cho người tiêu dùng hoặc doanh các doanh nghiệp có thể câu kết với nhau để cùng tăng giá bán, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.

Giữ quỹ để can thiệp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát

Bày tỏ quan điểm, Bộ Công thương đề xuất chọn phương án 2, theo đó giữ nguyên quy định về quản lý Quỹ bình ổn giá hiện hành, để duy trì được một công cụ điều hành giá khá linh hoạt, không phát sinh chi ngân sách và bộ máy vận hành, bảo đảm can thiệp bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Công thương cho rằng, nếu bỏ quỹ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.

Trong thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được liên bộ Công thương - Tài chính sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu. Quỹ góp phần bình ổn giá trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng quá mạnh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Cũng theo Bộ Công thương, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng quỹ để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.