Theo Bloomberg, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố mới đây, “với môi trường công nghệ đang thay đổi, rõ ràng là hợp đồng JEDI vốn đã bị trì hoãn từ lâu, không còn đáp ứng các yêu cầu lấp đầy khoảng trống năng lực của chúng tôi nữa”. Dự án JEDI ban đầu được dự định là hợp đồng với nhà cung cấp duy nhất, dẫn đến tranh chấp gay gắt ngay từ đầu.
Thay vào đó, Lầu Năm Góc đã công bố kế hoạch cho một dự án “nhiều nhà cung cấp” và cho biết họ dự định tìm kiếm các đề xuất từ Microsoft và Amazon Web Services, hai công ty mà họ cho là có khả năng đáp ứng các yêu cầu của mình. Các nhà cung cấp khác sẽ được xem xét nếu cho thấy khả năng đáp ứng được các điều khoản hợp đồng.
Cổ phiếu Amazon đã mở rộng mức tăng nhờ tin tức này, tăng 4,7% lên 3.675,74 USD vào lúc đóng cửa, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 4.11.2020. Trong khi cổ phiếu Microsoft không có nhiều biến động ở mức 277,66 USD.
Amazon hoan nghênh quyết định của Lầu Năm Góc, trong khi đó Microsoft cho biết họ hiểu và tôn trọng quyết định từ bỏ hợp đồng vì Bộ Quốc phòng sẽ phải đối mặt với một cuộc đấu tranh kéo dài tại tòa án. Microsoft cho biết trong một bài đăng trên blog rằng “an ninh của Mỹ quan trọng hơn bất kỳ hợp đồng đơn lẻ nào và chúng tôi biết rằng Microsoft sẽ làm tốt khi nước Mỹ làm tốt”.
Tương lai của chương trình đám mây JEDI đã bị nghi ngờ vào đầu năm nay khi các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ có thể hủy bỏ hợp đồng nếu Tòa án Liên bang Mỹ từ chối bác bỏ tuyên bố của Amazon rằng sự can thiệp chính trị từ cựu Tổng thống Donald Trump khiến công ty phải trả giá bằng thỏa thuận đám mây béo bở. Vào tháng 4.2021, thẩm phán Patricia Campbell-Smith đã từ chối yêu cầu của chính phủ và Microsoft về việc bác bỏ một phần đơn kiện của Amazon, cho phép vụ kiện tiếp tục.
Hợp đồng đám mây mới có tên gọi Joint Warfighter Cloud Capability (JWCC) sẽ được trao cho nhiều nhà cung cấp trong thời hạn 5 năm. Bộ Quốc phòng cho biết họ vẫn chưa xác định số tiền tối đa cho dự án đám mây thay thế, nhưng dự kiến sẽ lên tới hàng tỉ USD.
Microsoft và Amazon sẽ không được trao thỏa thuận tự động và sẽ phải gửi đề xuất về cách họ sẽ đáp ứng các yêu cầu của chính phủ. Theo một tờ thông tin của Lầu Năm Góc, trong số các yêu cầu mà Bộ Quốc phòng đang lên kế hoạch là khả năng xử lý dữ liệu nhạy cảm ở nhiều cấp độ phân loại, tính khả dụng toàn cầu của các dịch vụ đám mây trong môi trường chiến lược và tăng cường kiểm soát an ninh mạng.
Quyền Giám đốc thông tin John Sherman cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng viễn cảnh về những vụ kiện tụng bất tận không phải là động lực thúc đẩy sự thay đổi của Lầu Năm Góc, đồng thời nhấn mạnh “đây thực sự là nhu cầu sứ mệnh. Bởi vì JEDI đã được hình thành cách nay hơn ba năm rưỡi, chúng tôi phải chuyển sang một kế hoạch khác”.
Sherman nói rằng ông sẽ liên hệ với Oracle, IBM và Google để vạch ra kế hoạch mới và nhấn mạnh “cánh cửa vẫn rộng mở trong ba tháng rưỡi tới khi chúng tôi tiến hành nghiên cứu thị trường về các đối thủ cạnh tranh khác và liệu họ có thể đáp ứng các yêu cầu hay không.”
Hợp đồng JEDI ban đầu có giá trị lên tới 10 tỉ USD trong hơn một thập kỷ, đóng vai trò như một kho lưu trữ dữ liệu chính cho các dịch vụ quân sự trên toàn thế giới. Bộ Quốc phòng cho biết họ đang áp dụng các dịch vụ đám mây thương mại, trong đó khả năng tính toán và lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu từ xa do các công ty bên ngoài điều hành, để mang lại lợi thế chiến thuật trên chiến trường và tăng cường sử dụng các công nghệ mới nổi.
|
Việc Lầu Năm Góc giải thể hợp đồng JEDI và thực hiện một dự án đám mây mới cung cấp một xác nhận rõ ràng nhất rằng Microsoft và Amazon vẫn là những người dẫn đầu trong thị trường dịch vụ đám mây cho chính phủ liên bang. Khi Microsoft giành được hợp đồng JEDI, đây được coi là dấu hiệu công ty đang bắt kịp Amazon, với một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là “hợp đồng đám mây lớn nhất trong lịch sử”.
Thay vì hợp đồng 10 năm, Lầu Năm Góc đang chuyển chiến lược sang ký hợp đồng 3 năm với “đơn đặt hàng vô thời hạn, số lượng không xác định”, trong đó Microsoft, Amazon và có thể những công ty khác sẽ cạnh tranh với nhau. Giai đoạn ba năm, có thể bắt đầu vào đầu năm 2022, sẽ được tiếp nối sau đó bởi hai giai đoạn tùy chọn kéo dài một năm. Ông Sherman cho biết Lầu Năm Góc có kế hoạch đưa ra một bản trưng cầu mới vào tháng 10 và đưa ra phán quyết vào năm sau.
Yếu tố pháp lý
Trong nhiều năm, hợp đồng đã mời gọi sự giám sát kỹ lưỡng từ các công ty công nghệ lớn, các nhà lập pháp và Nhà Trắng. Quyết định của Lầu Năm Góc trao thỏa thuận cho nhà cung cấp duy nhất, thay vì chia nó thành nhiều hợp đồng phụ đã thúc đẩy hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ và chiến dịch quan hệ công chúng của các đối thủ nhằm lật đổ Amazon, vốn được coi là đơn vị dẫn đầu hợp đồng đám mây khi nó đã được công bố vào năm 2018.
Vào tháng 9.2020, Oracle đã thua trong vụ kiện loại trừ họ khỏi hoạt động mua sắm. Công ty này cáo buộc các yêu cầu hợp đồng của Lầu Năm Góc quá hạn hẹp và sự cạnh tranh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xung đột lợi ích liên quan đến Amazon. Vụ kiện của Oracle tuyên bố rằng Amazon đã mời hai cựu nhân viên của Lầu Năm Góc làm việc tại công ty khi họ còn đang làm việc theo hợp đồng.
Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ khẳng định phán quyết của tòa án cấp dưới rằng Oracle không bị tổn hại bởi bất kỳ lỗi nào mà Lầu Năm Góc đã đưa ra trong việc phát triển đề xuất hợp đồng vì dù sao hãng cũng không đủ điều kiện cho hợp đồng. Oracle đã kháng cáo phán quyết đó lên Tòa án tối cao, nơi vẫn chưa quyết định có xem xét lại vụ việc hay không.
Bezos là ‘Kẻ thù’
Sau chiến thắng khó chịu của Microsoft vào tháng 10.2019, AWS đã đệ đơn kiện khẳng định Bộ Quốc phòng đã bỏ qua công nghệ vượt trội của Amazon và trao hợp đồng cho Microsoft bất chấp những "thất bại chính" trong việc tuân thủ các yêu cầu. Theo đơn kiện của Amazon, Lầu Năm Góc đã mắc những sai sót đó vì sự can thiệp không đúng cách của ông Trump, người coi đồng sáng lập Jeff Bezos - người cũng sở hữu tờ Washington Post - là “kẻ thù chính trị” của mình. Bộ Quốc phòng phủ nhận chính trị ảnh hưởng đến quyết định trao thỏa thuận với Microsoft.
|
Vụ kiện của Amazon dựa trên danh sách các bình luận và hành động của ông Trump và Bộ Quốc phòng mà gã khổng lồ thương mại điện tử tuyên bố cho thấy Lầu Năm Góc đã "cúi đầu" trước áp lực chính trị khi trao thỏa thuận cho Microsoft.
Công ty cũng chỉ ra những bình luận của cựu Tổng thống Trump trong một cuộc họp báo vào tháng 7.2019, khi ông công khai đặt câu hỏi liệu hợp đồng JEDI có đang được đấu thầu cạnh tranh hay không, trích dẫn khiếu nại từ Microsoft, Oracle và IBM.
Để củng cố lập trường của mình, Amazon đã yêu cầu tòa án thẩm vấn ông Trump, các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Mark Esper cùng Dana Deasy, người là giám đốc thông tin của Lầu Năm Góc. Thẩm phán Campbell-Smith vẫn chưa đưa ra phán quyết về hành động này.
Vào tháng 4.2020, tổng thanh tra của Bộ Quốc phòng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy quyết định của Lầu Năm Góc trao thỏa thuận cho Microsoft là kết quả của sự can thiệp từ ông Trump, mặc dù họ nói rằng cuộc điều tra đã bị các quan chức Nhà Trắng hạn chế. Cơ quan giám sát cũng làm sáng tỏ dự án về các cáo buộc xung đột lợi ích liên quan đến Amazon.
Khi cuộc chiến pháp lý và quy định đối với JEDI vẫn còn kéo dài, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh họ có hơn một chục dự án đám mây khác nhau, và có quan hệ đối tác với Oracle, Amazon, General Dynamics Information Technology và Microsoft.
Bình luận (0)