Vì sao bóng đá 'phủi' dễ nảy sinh bạo lực?

11/09/2023 17:49 GMT+7

Bạn trẻ cho rằng khi tham gia bóng đá "phủi" (bóng đá không chuyên nghiệp) trước hết cần ý thức, kiểm soát bản thân, đồng thời học kỷ luật thi đấu để tránh nảy sinh những sự việc không đáng có.

Bóng đá "phủi" khó tránh được va chạm

Ngày 5.9, Công an P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (TP.HCM) triệu tập và lấy lời khai nhóm thanh, thiếu niên để làm rõ vụ hành hung người khác khi đá tại sân bóng trên đường Lê Thị Hoa (P.Bình Chiểu). Bởi trước đó, từ đêm 3.9, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại vụ một nam thanh niên mặc đồ thể thao bị nhóm người cũng mặc đồ thể thao, mang giày giẫm đạp, hành hung.

Đây cũng không phải trường hợp cá biệt xảy ra với bóng đá "phủi" hiện nay, mà ở nhiều nơi, tình trạng bạo lực này lại xảy ra rất thường xuyên. 

Vì sao bóng đá 'phủi' dễ nảy sinh bạo lực? - Ảnh 1.

Camera ghi lại vụ hành hung trên sân bóng ở TP.Thủ Đức

Chụp màn hình

Chơi đá bóng ở nhiều nơi, Nguyễn Huỳnh Nam (28 tuổi) đang là giáo viên thể chất một trường THPT ở Q.8, TP.HCM, nói rằng bóng đá "phủi" hiện nay có nhiều hình thái, từ cầu thủ chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều tham gia. Chơi đá bóng "phủi" chỉ mang tính chất giao lưu, rèn luyện thể chất, thế nhưng không ít bạn trẻ xem đây là một nghề kiếm thêm tiền. Ông bầu của các đội rất “máu lửa” đầu tư mạnh, thuê cầu thủ để thi đấu giành giải.

Theo Nam, đá bóng có tính đối kháng, do đó việc va chạm, xô xát là điều không tránh khỏi. Trong nhiều năm chơi bóng đá "phủi", không ít lần Nam gặp cảnh cầu thủ đánh nhau ngay trên sân, thậm chí sau khi rời sân sự việc còn nghiêm trọng hơn. 

“Ở sân 5 và 7 người thường có xô xát nhiều nhất. Vì loại hình sân này nhỏ, cầu thủ luôn ở gần và tranh chấp bóng liên tục, nên nếu ai đó không giữ được bình tĩnh thì nguy cơ đánh nhau có thể xảy ra”, Nam chia sẻ.

Nguyễn Thành Long, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết đến với bóng đá "phủi" cách đây khoảng 4 năm. Mục đích để Long thỏa mãn niềm đam mê bóng đá, giải trí và thỉnh thoảng đá thuê cho một số đội bóng để kiếm tiền.

Dù Long chưa từng là nạn nhân của bạo lực sân "phủi" nhưng đã chứng kiến nhiều cảnh “tác động vật lý” giữa các cầu thủ. Theo Long, ở các giải đấu phong trào (hay còn gọi là đá chầu) thì bạo lực thường xảy ra nhiều nhất, còn trận đấu giao lưu đơn lẻ thì ít hơn. Đơn cử gần đây, ở một sân bóng thuộc Q.Bình Thạnh, Long chứng kiến cảnh đồng đội và đối thủ vào bóng quyết liệt, không nhường nhau. Sau đó, cả 2 đã đánh nhau và trả đũa qua lại. Rất may, nhiều người gần đó đã can ngăn nên không xảy ra sự việc nghiêm trọng. Tuy nhiên, trận đấu bị hủy bỏ.

Vì sao bóng đá 'phủi' dễ nảy sinh bạo lực? - Ảnh 2.

Hành vi bạo lực trên sân bóng "phủi" ngày càng nhiều

Chụp màn hình

Thông Minh Triệu, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể bản thân từng là nạn nhân của việc vào bóng thô bạo. Triệu nói: “Nhiều lúc tôi bị đẩy, gạt chân, kéo lại hoặc thậm chí đối phương còn cố tình đá mạnh vào sau chân. Mục đích họ để tôi không còn đá được nữa. Sau những lần như vậy, tôi bị chấn thương phải nghỉ đá bóng trong thời gian dài”.

Bạn trẻ nên giữ cái đầu "lạnh"

Nguyễn Huỳnh Nam cũng chỉ ra nguyên nhân các sân bóng "phủi" thường xảy ra xô xát vì cầu thủ không nắm được luật thi đấu. Có những người trẻ ít đá bóng, cảm tính với luật nhưng luôn nghĩ mình đúng và khi "máu ăn thua" lên cao nên xảy ra va chạm ngoài mức cần thiết. Chưa kể các giải "phủi" hiện nay không nằm trong hệ thống chính quy nào nên việc chế tài với người chơi còn hạn chế.

Nam nói thêm khi đá bóng bản thân luôn ý thức trong từng bước chạy hay tranh chấp bởi đây chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe. Ngoài ra, không thể để thương tích làm ảnh hưởng đến bản thân và công việc của chính mình. Nam không để sự việc đi quá xa, nếu có va chạm sẽ chủ động “hạ nhiệt” để tình hình không trở nên rối ren. 

Vì sao bóng đá 'phủi' dễ nảy sinh bạo lực? - Ảnh 3.

Nhiều bạn trẻ ngày nay rất thích bóng đá "phủi"

Dạ Thảo

Trong khi đó, Thông Minh Triệu, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đồng tình với Nam rằng bạn trẻ nên ý thức hơn với việc ra sân đá bóng. Cầu thủ nghiệp dư thi đấu giải tự phát cũng nên học kỷ luật thi đấu. Đồng thời, ban tổ chức các giải phải phổ biến rõ luật thi đấu, cách hành xử cho các bạn trẻ thông hiểu. Đặc biệt, huấn luyện viên, "ông bầu" cần quán triệt tinh thần thi đấu với những cầu thủ nghiệp dư.

"Theo tôi xô xát dẫn đến thương tích trong sân bóng là một hành vi bạo lực làm ảnh hưởng đến tính mạng, thân thể của người khác. Cần có chế tài mạnh hơn nữa của pháp luật để răn đe những hành động nói trên”, Triệu bày tỏ.

Còn Thành Long cho rằng những giải đấu tự phát phải có mức xử phạt hợp lý, quy định khắt khe, có những người điều hành giải đấu chuyên nghiệp. Bổ sung lực lượng bảo vệ, trọng tài nhiều hơn nhằm giảm thiểu tình huống xấu xảy ra. “Với những người trẻ cần phải kiểm soát hành động của mình, không nên vào bóng quá cay cú, trả đũa nhau”, Long nói.

Trọng tài Trần Ngọc Công, đang công tác tại các giải bóng đá trẻ quốc gia, phong trào ở tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, cho rằng hiện nay phong trào rèn luyện thể thao, giao lưu bóng đá của người trẻ ngày càng phát triển ở khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển cũng có nhiều mặt trái của bóng đá "phủi". Trong 18 năm làm trọng tài cho nhiều giải đấu, anh Công không lạ gì với cảnh bạo lực đến từ các cầu thủ phong trào.

Theo anh Công, các giải phủi hiện nay được tổ chức một cách tự phát, manh mún, điều kiện an ninh ở sân không được đảm bảo. Phần khác do tính chất các giải đấu thường được đơn vị tổ chức thổi phồng, "nhái" sự chuyên nghiệp nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Chưa kể, các giải bóng đá "phủi" hiện nay mang tính chất thương mại, số tiền thưởng rất lớn nhưng quy định chế tài về bạo lực chưa thật sự hiệu quả. Điều này làm các cầu thủ, ông bầu các đội bóng hiểu nhầm tính chất của sân chơi phong trào, đặt nặng chuyện thắng thua, đoạt bằng được danh hiệu thay vì thi đấu với tinh thần giao lưu, học hỏi và rèn luyện thân thể.

Để giảm bớt cảnh bạo lực ở bóng đá "phủi", anh Công nghĩ rằng người trẻ đừng đặt nặng quá các giải thưởng, xem bóng đá phong trào như là môn rèn luyện sức khỏe. Bạn trẻ cần cải thiện văn hóa ứng xử với nhau. Riêng các trọng tài cần bản lĩnh, công tâm trong những lần điều khiển trận đấu bóng đá "phủi".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.