Vì sao các doanh nghiệp lớn e sợ cảnh Brexit?

11/10/2016 14:05 GMT+7

Các doanh nghiệp lớn cảnh báo chính phủ Anh rằng nước này phải thay đổi cách tiếp cận trong quá trình đàm phán “chia tay” Liên minh châu Âu (EU), hoặc chịu nguy cơ gánh thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Theo CNN, thông điệp trên đến từ các nhóm đại diện cho hàng ngàn công ty Anh, công bố sau khi Thủ tướng Anh Theresa May cho biết chính phủ của bà sẽ cứng rắn về vấn đề nhập cư trên bàn đàm phán Brexit, hay Anh rời EU, dự kiến khởi động vào đầu năm 2017.
Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) nói rằng bà May nên đến bên bàn đàm phán với kế hoạch dựa theo “thực tế và sự hiểu biết chân thực về các tác động kinh tế”, đảm bảo việc duy trì tiếp cận các thị trường EU. Theo CBI, những hãng dịch vụ tài chính cũng cần được ưu tiên, song đây là điều mà bà May phản đối.
“Có các dấu hiệu cho thấy cánh cửa đang khép lại trong nền kinh tế mở ở mức độ nào đó. Thế giới đang theo dõi. Các nhà đầu tư quốc tế đang theo dõi”, Tổng giám đốc CBI Carolyn Fairbairn nói với tờ The Times.
Giới lãnh đạo châu Âu trước đó thể hiện rõ rằng nếu Anh không cho phép công dân EU di chuyển tự do qua biên giới, họ sẽ mất một số quyền tiếp cận vào khu vực thương mại tự do rộng lớn EU. Bất chấp lời cảnh báo, bà May vẫn cam kết giảm số người nhập cư vào Anh. Các quan chức cũng đề nghị doanh nghiệp phải báo cáo số lượng lao động nước ngoài mà họ đang thuê tuyển.
Đề xuất trên bị rút lại sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, song điều làm giới quan sát bất ngờ là nó được đưa ra bởi đảng Bảo thủ của bà May - đảng vốn được xem là đảng của kinh doanh, doanh nghiệp. Bà Fairbairn cho hay các thành viên của CBI đã sốc trước thông tin chính sách trên. Chính sách này biểu hiện cho sự thay đổi lớn đang diễn ra trong đảng Bảo thủ.
Tuần qua, đồng bảng giảm mạnh vì nhiều thông tin tiêu cực từ Brexit. Đồng tiền hạ 16% kể từ khi cử tri Anh chọn rời khỏi EU hồi tháng 6. CEO JPMorgan Jamie Dimon, người từng cảnh báo rằng Brexit có thể buộc ngân hàng ông phải chuyển hàng ngàn việc làm ra khỏi London (Anh), vẽ ra bức tranh ảm đạm về hậu quả của cuộc “ly hôn” phức tạp cuối tuần trước. Tại Viện Tài chính Quốc tế, ông Dimon nói Brexit “khiến cơ hội không sống sót của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), một thập niên nữa kể từ lúc này, cao hơn gấp năm lần”.
Hiện có một số dấu hiệu cho thấy kinh tế Anh hậu bỏ phiếu Brexit chịu căng thẳng. Cuộc khảo sát hàng quý do Phòng Thương mại Anh thực hiện chỉ ra tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Dù ngành sản xuất được thúc đẩy nhờ đồng bảng yếu đi, triển vọng cho khu vực dịch vụ vốn chiếm 80% kinh tế nước này lại ảm đạm hơn nhiều.
CBI cho hay: “Giới doanh nghiệp đang lo ngại về đầu tư, thuê mướn và lợi nhuận. Thúc đẩy kinh doanh phải là nhiệm vụ trọng yếu của chính phủ trong những tháng tới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.