Vì sao cần giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục?

22/05/2024 06:05 GMT+7

Hàng loạt bất cập khi ngành giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục nhưng không được quyền chủ trì tuyển dụng, luân chuyển giáo viên.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất "thẩm quyền tuyển dụng giáo viên (GV) sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm" trong dự thảo luật Nhà giáo.

KHÓ XỬ LÝ TÌNH TRẠNG THỪA - THIẾU GV

Trong tổng hợp ý kiến băn khoăn, đề xuất của nhà giáo gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới đây, có nội dung: "Đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục và quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Trong khi đó, ngành giáo dục lại không thể quyết định về tuyển dụng GV để giải quyết tình trạng thừa - thiếu GV. Ngành giáo dục cũng không được quyết định về tiền lương và phụ cấp để đảm bảo cho GV yên tâm công tác, gắn bó với nghề và thu hút được người giỏi trở thành GV…".

Dự thảo luật Nhà giáo nêu thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm

Dự thảo luật Nhà giáo nêu thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm

ẢNH: NGỌC THẮNG

Đây cũng là nỗi niềm của nhiều cơ sở giáo dục. Bà Phan Thị Hằng Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), cho biết nhà trường đang thiếu 4 GV các môn và hoạt động giáo dục: âm nhạc, mỹ thuật, trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục địa phương. Ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT không phải đơn vị chủ trì về tuyển dụng GV nên không chủ động việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn, cấp học và không chủ động điều chuyển được GV thừa - thiếu. Vì vậy, theo bà Hải, nếu tập trung về một đầu mối sẽ giảm chồng chéo và nâng cao hiệu quả quản lý.

Một GV mầm non ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay mới đây bà đã phải nghỉ việc ở trường mầm non công lập để xin sang một trường tư ở quận khác vì trường học của bà ngày càng ít trẻ, không tuyển đủ số chỉ tiêu được giao. Hầu hết các trường trên địa bàn quận đều trong tình cảnh tương tự. Tuy nhiên, bà cũng không thể xin hoặc được ngành giáo dục luân chuyển sang một trường công lập ở quận khác dù các quận này đang thiếu rất nhiều GV. Lý do là việc tuyển dụng và luân chuyển GV không phải theo ngành dọc là ngành GD-ĐT mà phân theo địa bàn quận huyện…

Học sinh (HS) đầu cấp ở Hà Nội tăng đến hàng chục ngàn HS mỗi năm nhưng ở một số địa bàn vùng lõi của Hà Nội như Q.Hoàn Kiếm thì mấy năm gần đây đang rơi vào tình trạng thiếu người học nếu chỉ tuyển sinh đúng tuyến theo địa bàn phường, quận. Điều này được lý giải bởi sự già hóa dân số ở vùng lõi của Hà Nội, số lượng HS thấp, không có chung cư cao tầng được xây dựng ở trung tâm. Thống kê toàn ngành thì Hà Nội đang thiếu cả chục nghìn GV, đặc biệt là GV mầm non, nhưng ngành GD-ĐT cũng không có quyền điều tiết, luân chuyển GV từ quận/huyện này sang quận/huyện kia.

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng chừng nào ngành giáo dục chưa quản lý được đội ngũ của mình thì chừng đó chưa ổn định được.

ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHO NGƯỜI HỌC, PHỤ HUYNH

Do vậy, việc dự thảo luật Nhà giáo đang được Bộ GD-ĐT xin ý kiến dư luận nêu thẩm quyền tuyển dụng GV sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm đã nhận được sự đồng tình không chỉ của các cơ sở giáo dục mà còn của các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này.

PGS Đặng Thị Thanh Huyền, Ban điều hành Mạng lưới quản lý giáo dục EdulightenUp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), cho rằng đây là đề xuất thiết thực, phù hợp thực tế. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng nhiều lần phát biểu ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm trước nhà nước và nhân dân về chất lượng giáo dục nhưng việc tuyển, sử dụng, điều chuyển GV thuộc về ngành nội vụ, dẫn đến thừa - thiếu cục bộ do ngành giáo dục có đặc thù phải bố trí không chỉ theo trình độ đào tạo mà phải theo môn, cấp học và định mức GV/lớp.

"Việc tuyển, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm GV hay điều chuyển sao cho hiệu quả nhất thì phải do ngành giáo dục chủ trì trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, tất nhiên cần tuân thủ quy định chung của cơ quan quản lý nhà nước về quản lý đội ngũ. Nếu đề xuất này được thông qua, ngành giáo dục có thể thêm một phần vất vả, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là đem lại lợi ích cho người học, phụ huynh và nhân dân. Tất cả vì sự phát triển chung của xã hội trong bối cảnh mới", bà Huyền khẳng định.

TS Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng bộ môn Luật hành chính, khoa Pháp luật hành chính - nhà nước, Trường ĐH Luật Hà Nội, nhìn nhận việc tuyển dụng nhà giáo cần được quy định tương đồng giữa cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập. Với người có giấy chứng nhận nhà giáo phù hợp vị trí thì cơ sở giáo dục có thể tuyển dụng ngay; việc thi tuyển chỉ đặt ra trong trường hợp số người tham gia dự tuyển vượt quá số người cần tuyển. Về tập sự/thử việc, pháp luật nên quy định theo hướng cơ sở giáo dục có thể yêu cầu thử việc không quá 60 ngày để đánh giá người được tuyển có thực sự phù hợp công việc tại cơ sở giáo dục.

Về sử dụng nhà giáo, theo TS Nguyễn Ngọc Bích, luật cần quy định phù hợp để khuyến khích cơ sở giáo dục trao đổi nhà giáo. Việc này một mặt có thể khắc phục tình trạng thiếu GV cục bộ, đồng thời tăng tính hiệu quả sử dụng nhà giáo, nhất là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng, nghiệp vụ tốt.

Luật cũng có thể cân nhắc quy định về hoạt động tình nguyện của nhà giáo, cơ sở giáo dục làm căn cứ khuyến khích thầy cô, cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy tình nguyện tại địa phương khó khăn, vừa bảo đảm quyền lợi người học, vừa giúp GV vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn được học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp mới.

Theo các chuyên gia, việc tuyển, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm GV hay điều chuyển sao cho hiệu quả nhất thì phải do ngành giáo dục chủ trì trên cơ sở nhu cầu thực tiễn

Theo các chuyên gia, việc tuyển, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm GV hay điều chuyển sao cho hiệu quả nhất thì phải do ngành giáo dục chủ trì trên cơ sở nhu cầu thực tiễn

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH


TỒN TẠI HÀNG LOẠT BẤT CẬP

Lý giải về việc cần thiết giao cho ngành giáo dục tuyển dụng GV, Bộ GD-ĐT cho rằng: "Việc giao thoa giữa quản lý ngành và quản lý theo địa bàn, lãnh thổ như hiện nay đã tạo ra những bất cập nhất định trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với các cấp học mầm non, phổ thông và các đơn vị chưa tự chủ. Chẳng hạn, các cơ sở giáo dục là đơn vị trực tiếp sử dụng nhà giáo nhưng không có thẩm quyền tuyển dụng để kịp thời bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục; ở hầu hết các địa phương cơ quan quản lý giáo dục không được chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, biệt phái... nhà giáo để giải quyết tình trạng thừa - thiếu cục bộ.

Công tác thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo hầu hết không do ngành giáo dục ở địa phương chủ trì và nhiều nơi không tổ chức nên việc thực hiện chế độ, chính sách của nhà giáo chưa kịp thời, không động viên nhà giáo phấn đấu phát triển nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục...".

Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng: "Quy định về tuyển dụng viên chức nói chung còn chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Chẳng hạn, việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các trường hợp chưa đảm bảo đủ tư cách để trở thành nhà giáo, một số trường hợp gây nguy hiểm đến an toàn của trẻ em nhưng chưa có quy định không được đăng ký dự tuyển nhà giáo; việc quy định người đăng ký dự tuyển viên chức phải là người có quốc tịch VN, đang cư trú ở VN làm cản trở việc thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về nhà giáo và hợp tác quốc tế trong GD-ĐT". 

Quy định tuyển dụng trong dự thảo luật Nhà giáo

Về thẩm quyền và phương thức tuyển dụng, dự thảo luật Nhà giáo nêu: "Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: do cơ sở giáo dục trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành.

Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác, do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo. Tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.