Vì sao cần sớm tiêm vắc xin HPV cho trẻ vị thành niên?

15/12/2023 08:09 GMT+7

Xác suất nhiễm HPV trung bình trong suốt cuộc đời của nam giới lên đến 91%, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới là 85%.

Ngành y tế đang lên kế hoạch tiêm vắc xin HPV (Human papillomavirus) ngừa ung thư cổ tử cung cho trẻ gái 11 tuổi, dự kiến tiêm từ năm 2025 và 2026 (cho trẻ sinh năm 2014 và 2015). Vắc xin HPV nằm trong kế hoạch tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) có chiến lược hỗ trợ vắc xin HPV cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vì sao cần sớm tiêm vắc xin HPV cho trẻ vị thành niên ? - Ảnh 1.

Vắc xin HPV được khuyến nghị cho nam và nữ giới từ 9 - 26 tuổi

H.T

Trên thực tế, HPV lây nhiễm ở cả nam và nữ, khả năng gây bệnh tương đương đối với cả 2 giới.

Bác sĩ Bạch Thị Chính (Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC)

Chưa quan hệ tình dục thì không nhiễm HPV?

TS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết: Theo nhiều nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), trẻ gái trước 15 tuổi tiêm vắc xin HPV là tốt nhất, đặc biệt ở lứa tuổi 11 - 12, trước khi có hoạt động tình dục và đây cũng là độ tuổi đáp ứng miễn dịch tạo kháng thể cao nhất.

TS Thương nhấn mạnh: Chưa quan hệ tình dục thì gần như rất ít nhiễm HPV, do HPV chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp niêm mạc và HPV gần như không sống được trong môi trường bên ngoài.

Theo bác sĩ (BS) Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC: Nhiều phụ huynh vẫn còn quan niệm chỉ khi con có quan hệ tình dục mới bị lây nhiễm HPV mà chưa rõ về các con đường lây gián tiếp của bệnh như tiếp xúc với dụng cụ y tế phụ khoa, đồ lót dính mầm bệnh; da có vết loét, chảy máu tiếp xúc với mầm bệnh…

Nghiên cứu ở Bắc Mỹ trên nhóm bé gái 15 - 16 tuổi cho thấy 45,5% trẻ có HPV trong âm đạo; 20% phụ nữ phát hiện mầm bệnh chỉ sau 4 tháng bắt đầu quan hệ tình dục, 45% trường hợp nhiễm vi rút sau 26 tháng bắt đầu quan hệ tình dục. Những nghiên cứu nói trên chỉ ra mức độ cần thiết tiêm ngừa sớm cho trẻ. Vắc xin HPV được khuyến nghị cho trẻ trai, trẻ gái, nam và nữ giới từ 9 - 26 tuổi. Trong đó, 9 - 14 là "tuổi vàng" để chủng ngừa, cũng là nhóm nên được ưu tiên tiêm phòng.

Nam giới có nhiễm HPV ?

Theo BS Chính, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm cho rằng vắc xin HPV chỉ dành cho nữ giới để phòng ngừa ung thư cổ tử cung và một số bệnh phụ khoa, nên nam giới không cần tiêm ngừa. Tuy nhiên, trên thực tế, HPV lây nhiễm ở cả nam và nữ, khả năng gây bệnh tương đương đối với cả 2 giới. Xác suất nhiễm HPV trung bình trong suốt cuộc đời của nam giới lên đến 91%, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới là 85%.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho biết nam giới có khả năng lây nhiễm và tái nhiễm HPV cao hơn nữ giới. Mặt khác, nam giới hiện chưa có biện pháp tầm soát, phát hiện các bệnh lý ung thư liên quan đến HPV, dẫn đến dễ lây nhiễm cho bạn tình, chẩn đoán trễ, tỷ lệ tử vong cao.

"Do đó, không chỉ nữ giới, mà nam giới, cộng đồng người chuyển giới, đồng tính cũng rất cần tiêm vắc xin HPV để phòng bệnh", BS Chính nói và khuyến cáo mọi người vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh, bên cạnh vắc xin, như: quan hệ tình dục an toàn, quan hệ một vợ một chồng, hạn chế các chất kích thích, sinh hoạt lành mạnh, duy trì khám sức khỏe định kỳ...

TS Bùi Chí Thương lưu ý: Mặc dù đã tiêm phòng HPV nhưng vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ, vì vắc xin HPV không thể dự phòng toàn bộ khoảng 200 type HPV.

Hiểu rõ hơn về HPV

BS Bạch Thị Chính thông tin thêm: HPV là vi rút lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. HPV có khoảng 200 type, trong đó 40 type lây nhiễm ở đường sinh dục và khoảng 15 type nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm hộ, dương vật. Các type HPV có nguy cơ cao sinh ung thư là 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58... Trong đó, 2 type HPV nguy hiểm là 16 và 18 liên quan đến 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Loại nguy cơ thấp thường không sinh ung thư là type 6, 11, 42, 43, 44...

HPV cũng là tác nhân gây nhiều bệnh da liễu, 100% mụn cóc thông thường, 100% mụn cóc sinh dục hay còn gọi là sùi mào gà và tổn thương da ở loạn sản biểu mô mụn cóc.

Một nghiên cứu năm 2019 được công bố và lưu trữ trên website của Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ cho biết ước tính có khoảng 660 triệu người nhiễm HPV trên toàn cầu, trong đó có khoảng 370 triệu nam giới. Theo thống kê của CDC Mỹ, cứ 5 phụ nữ 50 tuổi thì có ít nhất 4 người mắc HPV tại một thời điểm trong cuộc đời. 1 trong 3 nam giới trên 15 tuổi bị nhiễm ít nhất một loại HPV. 1 trong 8 phụ nữ mắc mụn cóc sinh dục ít nhất một lần trước 50 tuổi. 10% dân số mắc mụn cóc sinh dục ít nhất một lần trong 25 năm hoạt động tình dục.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổng hợp các phân tích, đánh giá tỷ lệ nhiễm HPV trong dân số nam giới nói chung từ năm 1995 - 2022 cho thấy, tỷ lệ lưu hành chung của các chủng vi rút nói chung trên toàn cầu là 31%; nhóm HPV nguy cơ cao là 21%. Trong đó, HPV type 16 phổ biến nhất với 5%, sau đó đến HPV type 6 với 4%... 

Theo CDC Mỹ, gần như mọi cá nhân (bất kể giới tính, xu hướng tính dục) có hoạt động tình dục đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Các loại HPV nguy cơ cao gây ra khoảng 5% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 570.000 phụ nữ và 60.000 nam giới mắc bệnh ung thư liên quan HPV mỗi năm.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới; với khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 ca tử vong vào năm 2020, theo WHO. 

Phương An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.