Bếp từ hoạt động bằng cách dùng dòng điện truyền qua cuộn dây đồng để tạo ra từ trường. Cuộn dây được đặt bên dưới mặt kính của bếp từ. Từ trường sẽ tác động lên đáy nồi đã được làm nhiễu từ. Tương tác này sẽ tạo ra nhiệt độ làm nóng nồi và nấu chín thức ăn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Khi nấu bếp từ, việc vệ sinh sạch sẽ và tránh để chất lỏng chảy tràn lên kính là rất cần thiết. Các chất lỏng này sẽ sớm khô và cứng lại, đặc biệt là những vết có thành phần chứa nhiều đường. Khi đó, không chỉ bề mặt nút điều khiển cảm ứng, mà bề mặt dùng để nấu đều sẽ khó lau chùi hơn. Một dải đường mạch nha hay bất kỳ mảnh vụn thức ăn nào nằm giữa đáy nồi và mặt kính bếp từ cũng có thể làm giảm hiệu quả làm nóng của bếp.
Công năng của bếp từ là làm chín thức ăn bằng từ trường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bề mặt kính không nóng. Những bề mặt này thường được làm bằng thủy tinh và đôi khi bằng gốm. Chúng vẫn có thể nóng lên do nhiệt độ truyền trở lại từ nồi, chảo hay các dụng cụ nấu khác. Do đó, nếu muốn lau chùi bề mặt kính thì cần đợi cho bếp nguội.
Một tác dụng không mong muốn của quá trình truyền nhiệt này là vết cháy cứng, dễ hình thành sau vài lần nấu. Chúng ta thường dùng các chất tẩy rửa mạnh hoặc các miếng cọ rửa có độ nhám cao để lau chùi bề mặt kính bếp từ. Tuy nhiên, cách làm này sẽ gây ra các vết trầy xước và làm giảm hiệu quả hoạt động của bếp.
Trong khi đó, nếu sử dụng nước lau kính thì sẽ dễ để lại những vệt mờ trên kính và khó làm sạch bóng. Cách tốt nhất là hãy dùng những chiếc khăn làm bằng vải sợi nhỏ và thấm ướt để lau. Nếu cách này không hiệu quả thì hãy lau với các chất tẩy rửa tương đối nhẹ như nước rửa chén, baking soda và giấm. Vị trí nút điều khiển bằng cảm ứng cần được lau sạch vì chỉ cần một chút dầu mỡ cũng có thể khiến chúng giảm đi độ nhạy, theo Healthline.
Bình luận (0)