Từ trưa tới khuya chưa lên được cầu
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, xe cộ xếp hàng dài 3 - 5 km trước, sau Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu. Riêng chiều 28 tháng Chạp và mùng 4 Tết Canh Tý, khu vực này kẹt xe nghiêm trọng, giao thông hỗn loạn.
Khi đó, mỗi phương tiện phải di chuyển liên tục hơn 5 giờ mới vượt qua đoạn đường khoảng 10km từ TP.Bến Tre lên cầu Rạch Miễu đi Tiền Giang.
Từ chiều đến đêm mùng 5 tháng Chạp, luôn có lượng phương tiện xếp hàng nhiều cây số nối nhau trên QL60 ở cả hai chiều từ Tiền Giang và Bến Tre hướng qua cầu Rạch Miễu. Lực lượng CSGT 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre căng mình điều tiết nhưng tình hình kẹt xe chỉ cải thiện rất ít.
|
“Sợ kẹt xe nên lúc 13 giờ ngày 28 Tết tôi chở vợ con từ nhà ngoại ở Bến Tre để về quê nhà ở Bình Thuận. Lúc 13 giờ 30 xe ở QL60, đoạn ngay Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre, vậy mà đến hơn 22 giờ mới thoát qua khỏi Trạm BOT hướng lên cầu Rạch Miễu. Khi xe lọt qua được địa bàn Tiền Giang thì lại kẹt cứng trên QL1, đoạn đường dẫn lên cao tốc TPHCM - Trung Lương, đến hơn 2 giờ sáng hôm sau mới vào được TP.HCM. Thật là khủng khiếp. Về sau, chắc chắn tôi phải cân nhắc thật kỹ lộ trình các dịp lễ, tết mới về quê vợ nữa, bởi kẹt xe như vậy là thất bại nhiều chuyện đối với mình lắm”, anh Nguyễn Bá Kết (37 tuổi, ngụ TP.HCM) ngao ngán.
Trong lúc kẹt xe, một số tài xế đã chủ động điều khiển xe ô tô, xe khách với tốc độ cao vào làn đường dành cho xe máy qua Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu. Hành vi này hết sức nguy hiểm vì nhiều khả năng sẽ gây ra tai nạn liên hoàn, hậu quả khó lường.
Theo thống kê của BOT cầu Rạch Miễu, từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trung bình mỗi ngày có khoảng 21.000 lượt phương tiện qua trạm.
Tính đến chiều mùng 5 Tết, Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã xả trạm 9 lần với tổng số hơn 9.300 xe qua trạm, thất thu cho nhà đầu tư gần 80 triệu đồng.
Theo Ban ATGT 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng kẹt xe liên tục khu vực cầu Rạch Miễu là lượng phương tiện di chuyển về khu vực này tăng đột biến trong dịp Tết, trong khi việc xả trạm chỉ được Trạm thu phí BOT thực hiện khi tình hình giao thông đã hết sức phức tạp.
Ngoài ra, do các xe “3 trục” chở hàng nặng nề, buộc di chuyển với tốc độ rất chậm khi leo lên dốc cầu Rạch Miễu khá cao; phương tiện tăng đột biến trong khi mặt cầu Rạch Miễu chỉ có 2 làn dành cho xe cơ giới di chuyển qua cầu… gây tình trạng ùn ứ.
Bến Tre muốn “phục hồi” phà Rạch Miễu
Ngày 17.1 vừa qua, nhân dịp Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đến chúc Tết chủ đầu tư Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã kiến nghị bộ trưởng cho ý kiến mời gọi nhà đầu tư Dự án phà Rạch Miễu để chia sẻ lượng phương tiện qua cầu.
Theo ông Trọng, đây là giải pháp khả thi để giải quyết tạm thời tình trạng kẹt xe qua khu vực cầu Rạch Miễu trước khi có cầu Rạch Miễu 2.
“Kẹt xe đã nghiêm trọng lắm rồi. Dù cho năm 2020 T.Ư phê duyệt đầu tư xây cầu Rạch Miễu 2 thì cũng ít nhất là 3 năm sau mới có cầu giải quyết bài toán kẹt xe nghiêm trọng trong các ngày lễ, tết tại khu vực cầu Rạch Miễu hiện hữu. Tôi thấy giải pháp làm dự án phà Rạch Miễu nối xã Song Thuận (H.Châu Thành, Tiền Giang) và xã Phú Túc (H.Châu Thành, Bến Tre) với kinh phí khoảng 100 tỉ là giải pháp khả thi để giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt”, ông Trọng nói với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Ông Thể đề nghị lãnh đạo 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cần hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng vì dự án phà Rạch Miễu đột xuất như vậy sẽ vướng rất nhiều về thủ tục.
|
Trong khi đó, một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang (yêu cầu không nêu tên) cho rằng đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chỉ là chiêu “dương đông kích tây”, chứ giải pháp này hoàn toàn không khả thi để giải quyết vấn đề.
“Ông ấy (ông Trọng - PV) đề xuất như vậy chắc chỉ muốn cho Bộ trưởng thấy được sự khẩn cấp phải có dự án cầu Rạch Miễu 2 mà thôi. Thực tế, lượng phương tiện tăng đột biến qua cầu Rạch Miễu là có thật, nhưng chắc ai cũng hiểu cánh tài xế thà chờ đợi chứ không khi nào họ chọn lộ trình đi phà. Về giải pháp trước mắt, theo tôi, lực lượng chức năng 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre phối hợp điều tiết tốt hơn và Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu “hy sinh” xả trạm ngay khi có lượng phương tiên tăng lên trong các ngày lễ, tết thì tình trạng kẹt xe qua cầu Rạch Miễu sẽ không đến nỗi nghiêm trọng lắm đâu. Ngoài ra, kẹt xe tại cầu Rạch Miễu cũng một phần bị ảnh hưởng bởi một số đoạn tuyến “thắt cổ chai” trên QL1, đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, vị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nói.
Bình luận (0)