Vì sao cầu thủ trẻ vẫn sa ngã?

13/05/2020 08:47 GMT+7

Bóng ma tiêu cực đã để lại những vết thương lớn cho bóng đá VN, phải rất nỗ lực VFF và các đội tuyển quốc gia mới hồi sinh lại phần nào nền bóng đá nước nhà. Thế nhưng gần đây tình trạng tiêu cực đã quay trở lại, và điều đáng lo là đều rơi vào lứa cầu thủ trẻ.

Rủ nhau cá độ bóng đá trên mạng

Ngày 9.3.2019, tại vòng chung kết (VCK) U.19 quốc gia 2019, Phú Yên và Hà Nội đã có trận cầu tai tiếng khi phút 82 thủ môn Hoàng Trung Phong của Phú Yên bắt như “mớm” giúp Trần Xuân Đức dễ dàng đệm bóng vào lưới trống. Đội U.19 Phú Yên còn khiến khán giả phẫn nộ khi không thèm tấn công tìm bàn gỡ, cứ chuyền ngang và chuyền về để bảo toàn tỷ số thua 0-1. Ban tổ chức ngay sau đó nộp băng ghi hình lưu lại toàn bộ biểu hiện đáng ngờ của ban huấn luyện và cầu thủ Phú Yên gửi về Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), sau đó VFF chuyển sang các cơ quan chức năng, nhưng đáp lại là sự... im lặng đến tận bây giờ.

Ban Kỷ luật của VFF đã ra án theo tôi thấy còn quá nhẹ... Còn nếu vào tay tôi, tôi cho nghỉ đá bóng luôn. Nếu cầu thủ của tôi dính vào mà VFF chưa phạt thì tôi “cho về nước” ngay

Bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai)

Thấy không ai đụng đến, 3 tháng sau lại xảy ra tai tiếng ở một giải trẻ khác. Ngày 19.6.2019, Đồng Tháp hòa 1-1 với Vĩnh Long trận mở màn vòng loại U.21 quốc gia 2019. Cầu thủ Huỳnh Văn Tiến cầm đầu 10 cầu thủ U.21 Đồng Tháp khác cá độ ngay chính trận đấu này trên mạng với hình thức xỉu (trận này cược xỉu là từ 2 bàn trở xuống) với tổng số tiền 150 triệu đồng. Số tiền thắng sau đó là 133 triệu đồng được Tiến chia đều cho mình và 10 cầu thủ gồm Nguyễn Nhật Trường, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Nguyễn Anh Phát, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài và Trần Công Minh - cầu thủ xuất sắc nhất VCK U.19 2018 và được xem là tài năng nổi trội nhất trong lứa U.21 VN hiện tại.

Trần Công Minh của Đồng Tháp bị treo giò 6 tháng vì tham gia dàn xếp tỉ số

Ngày 11.5 vừa qua, Ban Kỷ luật VFF ra quyết định kỷ luật 11 cầu thủ U.21 Đồng Tháp nói trên.

11 cầu thủ của Đồng Tháp bị kỷ luật

Ngày 11.5, Ban Kỷ luật VFF ra quyết định kỷ luật 11 cầu thủ U.21 Đồng Tháp có hành vi tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc liên quan đến bóng đá trong trận đấu giữa U.21 Đồng Tháp và U.21 Vĩnh Long ngày 19.6.2019 tại sân thi đấu Thành Long 1, TP.HCM. Cầu thủ Huỳnh Văn Tiến cầm đầu bị phạt 5 triệu đồng và cấm tham gia các hoạt động bóng đá 5 năm do VFF tổ chức. 10 cầu thủ còn lại gồm Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài và tuyển thủ U.21 VN Trần Công Minh mỗi người bị phạt 2,5 triệu đồng và “treo giò” 6 tháng không được tham gia các giải đấu do VFF tổ chức.
Trước vụ Trần Công Minh bị kỷ luật, ngày 7.3 VFF cũng phạt một tuyển thủ khác là Y Êli Niê của U.22 VN sau trận Đắk Lắk thắng đậm Bình Định 6-2 ở vòng loại U.19 quốc gia 2020 diễn ra ngày 5.3. Án phạt của Y Êli Niê gồm 5 triệu đồng cùng đình chỉ 2 trận liên tiếp ở giải U.19 quốc gia 2020. Rút kinh nghiệm năm trước, VFF quyết liệt hơn khi ra án phạt chỉ 2 ngày sau trận đấu tai tiếng. Sau khi xem xét khiếu nại, VFF giữ kết quả trận đấu nhưng phạt đội Bình Định 25 triệu đồng vì có dấu hiệu thiếu trung thực, HLV Cao Văn Dũng bị phạt 5 triệu, đình chỉ 2 trận. Các cầu thủ Bình Định như Đào Gia Bảo, Đinh Trường Đệ, Trần Văn Thái, Nguyễn Thế Thịnh mỗi người bị phạt
5 triệu và đình chỉ 4 trận. Cá nhân Y Êli Niê bị bác đơn khiếu nại vì có biểu hiện bất thường dẫn đến 2 bàn thua đáng ngờ của Đắk Lắk, trong đó có pha phát bóng thẳng vào chân tiền đạo Bình Định ở cuối trận dẫn đến bàn thắng.

Sự dung túng, bao che của người lớn

Việc liên tiếp có 2 tuyển thủ quốc gia ở lứa trẻ bị VFF phạt vì dính líu tiêu cực ở các giải bóng đá trẻ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nữa với bóng đá nước nhà. Bởi nó không còn là nguy cơ mà đã hiển hiện công khai, thách thức ở những VCK trẻ quốc gia được truyền hình trực tiếp cho cả nước theo dõi.
Nói về việc này, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) của Hoàng Anh Gia Lai cho rằng bóng đá VN đang đứng trước mối đe dọa rất nguy hiểm, nếu không làm quyết liệt thì mọi thành công tích cực của đội tuyển VN sẽ đổ sông đổ biển. Ông Đức cho rằng tất cả phải chung tay quyết liệt hơn: “Ban Kỷ luật của VFF đã ra án theo tôi thấy còn quá nhẹ. Nhưng mỗi người có một cách làm, tôi không thể can thiệp và tôn trọng quyết định của Ban Kỷ luật VFF. Có lẽ họ thấy đáng thế nào thì phạt thế đó. Còn nếu vào tay tôi, tôi cho nghỉ đá bóng luôn. Nếu cầu thủ của tôi dính vào mà VFF chưa phạt thì tôi “cho về nước” ngay”.
Ngoài ra, hiện tượng tiêu cực đang nảy sinh trong bóng đá trẻ có lỗi từ những người lớn vì sự dung túng bao che cho hành động sai trái. Đơn cử vụ việc tại U.21 Đồng Tháp. Dù thú nhận toàn bộ tội danh, viết rõ trong tường trình sau khi sự việc vỡ lở ngày 24.8.2019, nhưng khá bất ngờ khi Huỳnh Văn Tiến chỉ bị đội bóng này “phạt động viên” cắt chế độ 2 tháng đến hết VCK U.21 quốc gia 2019. Theo những người trong cuộc, có dấu hiệu cho thấy có người đã “vẽ đường” để những cầu thủ nhúng chàm như Văn Tiến viết đơn gửi Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao xin nghỉ 2 tháng, rồi tìm cách ém nhẹm. Sau đó, toàn bộ 11 cầu thủ dính tiêu cực, kể cả Huỳnh Văn Tiến, vẫn được đăng ký trong danh sách Đồng Tháp đá giải hạng nhất 2020 như chưa có chuyện gì xảy ra!?
Không biết bao nhiêu lần ban tổ chức các VCK U.19, U.21 quốc gia tìm mọi cách đánh động, thậm chí liên lạc với UBND các tỉnh để cảnh báo nguy cơ các đội bóng bắt tay, móc ngoặc nhau, nhờ an ninh làm việc, nhắc nhở các trưởng đoàn, HLV trưởng, cầu thủ trước mỗi giải. Nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ, như HLV U.19 Phú Yên Phạm Minh Tuấn từng cho rằng mình “không sai, không quan tâm” khi VFF và ban tổ chức VCK U.19 quốc gia nhắc nhở. Ông cho rằng: “Tôi có nghe thông tin mỗi trận đấu ở giải U.19 có tỷ lệ cá cược, nhưng ở ngoài sân chúng tôi không quan tâm vì chỉ tập trung chuyên môn thôi!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.