Vì sao chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm tăng mạnh ?

27/06/2020 08:23 GMT+7

So với năm 2019, năm nay, chỉ tiêu đào tạo sư phạm tăng mạnh ở nhiều trường, ngành. Vì sao xảy ra hiện tượng này và liệu có dẫn đến dư thừa giáo viên trong tương lai?

Có ngành tăng trên 5 lần

Bộ GD-ĐT vừa hoàn tất việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường có đào tạo giáo viên (GV - ngành sư phạm - SP) dựa trên thông tin đăng ký của các trường. Theo quy định, chỉ tiêu tuyển sinh SP của các trường ĐH, CĐ sẽ do Bộ GD-ĐT giao dựa trên năng lực đào tạo của trường và nhu cầu GV của địa phương. So với năm ngoái, chỉ tiêu nhiều trường và nhiều ngành tăng khá nhiều.
Tại Trường ĐH SP TP.HCM, so với năm ngoái, chỉ tiêu năm nay tăng hơn 1.000 (năm nay 5.313 chỉ tiêu). Trong số này, nhiều ngành tăng mạnh như: giáo dục thể chất từ 60 lên 109, SP tin từ 80 lên 120… Nhiều ngành tăng gấp 2 - 3 lần so với năm ngoái như: giáo dục đặc biệt từ 45 lên 113, giáo dục chính trị từ 50 lên 118, SP toán từ 120 lên 201, SP hóa học từ 50 lên 145, SP sinh từ 50 lên 123, SP lịch sử 50 lên 108, SP tiếng Trung từ 30 lên 136… Đáng chú ý, có ngành tăng trên 5 lần so với năm trước đó như SP tiếng Pháp từ 30 lên 172.

Tăng chỉ tiêu năm nay là hợp lý

Sắp tới, nhu cầu GV các địa phương có thể tăng nên việc tăng chỉ tiêu đào tạo khối ngành này năm nay là hợp lý. Bởi lẽ 3 năm nay, Bộ GD-ĐT đã tham gia điều tiết chỉ tiêu đào tạo SP các trường trong cả nước dựa trên dự báo nhu cầu các địa phương. Trong đó, 2 năm trước Bộ cắt giảm mạnh chỉ tiêu các trường.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vũ (Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Đồng Tháp)
Ngược lại, trường điều chỉnh giảm mạnh chỉ tiêu một số ngành như: ngôn ngữ Anh cũng giảm từ 300 xuống 200, ngôn ngữ Trung Quốc từ 220 xuống 160, ngôn ngữ Nhật từ 160 xuống 120, ngôn ngữ Hàn Quốc cũng giảm 1 nửa từ 80 xuống 40 chỉ tiêu, vật lý học giảm từ 100 xuống còn 30, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam giảm một nửa từ 100 xuống còn 50 chỉ tiêu…
Chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên cũng tăng mạnh ở nhiều trường ĐH địa phương khác. Trường ĐH Cần Thơ năm nay được giao hơn 2.000 chỉ tiêu đào tạo chính quy bậc ĐH các ngành này, trong khi năm ngoái chỉ trên 300 chỉ tiêu. Trong số này, trường chỉ dành 1.150 chỉ tiêu xét tuyển ĐH chính quy từ thí sinh tốt nghiệp THPT, số còn lại cho các hình thức đào tạo khác như liên thông, văn bằng 2.
Tương tự, Trường ĐH Đà Lạt năm nay cũng được giao 270 chỉ tiêu cho 9 ngành SP. So với năm ngoái, chỉ tiêu của trường tăng thêm 120. Số chỉ tiêu này tăng chủ yếu ở các ngành giáo dục tiểu học (70 thí sinh), SP tiếng Anh (50 thí sinh), SP toán (30 thí sinh), SP ngữ văn (30 chỉ tiêu), các ngành còn lại 20 chỉ tiêu.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vũ, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết năm nay, trường được Bộ GD-ĐT giao 940 chỉ tiêu đào tạo các ngành GV, trong đó bậc ĐH 820 và CĐ 120 chỉ tiêu. Nhiều nhất là ngành giáo dục mầm non 280 chỉ tiêu, giáo dục tiểu học 80, SP toán 40, SP hóa 40, các ngành khác có chỉ tiêu thấp nhất là 30. Năm ngoái trường có hơn 600 chỉ tiêu.

Tăng để chuẩn bị giáo viên chương trình giáo dục mới

Theo đại diện các trường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tăng chỉ tiêu các ngành SP năm nay. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH SP TP.HCM, cho biết các ngành đào tạo GV năm nay tăng hơn năm ngoái do nhu cầu xã hội, đặc biệt là đào tạo đội ngũ để đáp ứng với lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, năm ngoái trường đăng ký 250 chỉ tiêu SP nhưng Bộ chỉ duyệt 150. Năm nay trường cũng đăng ký 250 chỉ tiêu nhưng bộ duyệt 270. “Các trường đăng ký chỉ tiêu theo năng lực đào tạo nhưng bộ phận chỉ tiêu còn căn cứ trên nhu cầu GV địa phương. Do vậy, xu hướng tăng chỉ tiêu đào tạo các ngành GV năm nay có thể do sự thay đổi về nhu cầu nhân lực trong ngành này thời gian tới”, tiến sĩ Duy nhận định.

Có thể vẫn thừa thiếu giáo viên cục bộ

Việc Bộ GD-ĐT tham gia điều tiết chỉ tiêu đào tạo SP trên phạm vi cả nước căn cứ vào nhu cầu GV các địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, với cách điều tiết này, tổng thể cả nước có thể không thừa GV nhưng vẫn có thể diễn ra tình trạng thừa thiếu ở từng vùng miền, các môn cụ thể. Để giải quyết căn cơ bài toán này, Bộ cần tiến tới phân vùng tuyển sinh các trường SP gắn kết với từng địa phương cụ thể. Khi đó, các trường được giao nhiệm vụ đào tạo cụ thể theo nhu cầu địa phương, địa phương cam kết sử dụng nhân lực của trường đó. Cách này giống việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhân lực ngành sức khỏe hiện nay. Khi đó mới không xảy ra tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm do vẫn còn sự chồng chéo phạm vi tuyển sinh giữa các trường như hiện nay.
Một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh
Còn theo thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Theo ông Khang, Bộ giao chỉ tiêu này căn cứ trên dự báo nhu cầu nhân lực GV ở các địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt là sự chuẩn bị đội ngũ khi luật Giáo dục có hiệu lực yêu cầu chuẩn GV từ tiểu học trình độ ĐH. Ngoài ra, thông tin từ một số sở GD-ĐT, các địa phương cũng cần chuẩn bị lực lượng GV cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Lý giải về việc tăng chỉ tiêu năm nay, thạc sĩ Nguyễn Quốc Vũ cho rằng có lẽ xuất phát từ kiến nghị của nhiều trường về việc tuyển sinh mỗi ngành 10 chỉ tiêu các năm trước là không hợp lý, khó tổ chức lớp học. Do vậy, các ngành chỉ được giao tuyển sinh 10 thí sinh năm ngoái, nay tăng lên tối thiểu 30 chỉ tiêu.
Trước băn khoăn về việc tăng đột biến chỉ tiêu đào tạo có thể dẫn đến khả năng dư thừa đội ngũ GV trong tương lai, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang nhìn nhận: “Bộ giao chỉ tiêu đào tạo căn cứ vào dự báo nhu cầu nhân lực giáo viên các năm tới. Do vậy, việc có xảy ra dư thừa đội ngũ trong tương lai hay không còn phụ thuộc vào mức độ chính xác trong dự báo của các địa phương và thực tế diễn ra sau đó”. Cũng theo thạc sĩ Khang, thực tế năng lực đào tạo của Trường ĐH Cần Thơ có thể nhiều hơn nhưng trường vẫn chỉ dành 1.150 để tuyển mới năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.