Công an TP.Hà Nội cho biết Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà L.H.T (36 tuổi, trú tại Q.Tây Hồ, Hà Nội) về hành vi điều khiển ô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Mức phạt là 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Bà T. chính là nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn, va chạm với một xe máy đang dừng sát vỉa hè trên đường Trần Cung (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) vào tối 5.3. Vụ việc gây ồn ào dư luận khi một số thông tin cho rằng sau va chạm, nữ tài xế có cự cãi với người điều khiển xe máy.
Vì sao chủ tịch thành phố "đích thân" xử phạt?
Nhiều bạn đọc thắc mắc rằng, vì sao Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội không xử phạt nữ tài xế mà phải chuyển lên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; bởi vi phạm nồng độ cồn thuộc lĩnh vực kiểm soát của lực lượng CSGT, nếu xử phạt luôn thì sẽ thuận tiện hơn?
Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho biết việc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021). Trong đó, thẩm quyền xử phạt căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, không phải cơ quan nào cũng có thẩm quyền xử phạt như nhau.
Với nồng độ cồn lên tới 0,573 mg/l khí thở, nữ tài xế ô tô vi phạm quy định tại khoản 10 điều 5 của nghị định, mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, đồng thời tước tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Vì sao Chủ tịch UBND Hà Nội 'đích thân' xử phạt nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn?
Cũng theo quy định tại khoản 3 điều 75 về thẩm quyền xử phạt, chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt…
Trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT, trưởng phòng CSGT công an cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt...
Như vậy, việc Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra quyết định xử phạt đối với nữ tài xế ô tô nêu trên là hoàn toàn đúng thẩm quyền. Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội không thể xử phạt vì mức phạt vượt quá thẩm quyền.
Thẩm quyền xử phạt phải theo quy định
Liên quan đến vụ việc, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội còn ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với một người đàn ông vì đăng thông tin sai sự thật, khi cho rằng nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn là "con cháu bộ trưởng".
Một số ý kiến đặt vấn đề: vì sao người đàn ông này bị Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội xử phạt, chứ không phải chủ tịch UBND thành phố, như với nữ tài xế?
Luật sư Hà Công Tâm cho hay, việc xử lý đối với hành vi của người đàn ông cũng phải dựa trên thẩm quyền xử phạt của các cơ quan.
Theo quy định tại Nghị định 115/2020, cá nhân có hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Xem nhanh 12h ngày 15.3: Vì sao Chủ tịch Hà Nội 'đích thân' xử phạt nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn?
Về thẩm quyền xử phạt, nghị định này quy định trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin; phạt tiền đến 16 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử.
Như vậy, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội là cơ quan xác minh, xác định hành vi vi phạm và ra quyết định xử phạt đối với người đàn ông là đúng quy định.
Bình luận (0)