Một người trung bình ngáp khoảng 20 lần/ngày. Hiện tượng ngáp lây lan dường như lại chỉ xuất hiện ở những động vật có tính xã hội cao, theo New Scientist.
Có nhiều lời giải thích cho hành động ngáp ở con người. Lời giải thích thường gặp nhất là ngáp để hấp thụ thêm ô xy vào trong cơ thể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau này phát hiện không có mối tương quan nào giữa ngáp và tình trạng thiếu ô xy của cơ thể.
Trên thực tế, khi chúng ta đang cảm thấy mệt mỏi hay đang phải chờ đợi một điều gì đó nhàm chán, cơ thể thường sẽ ngáp. Đây giống như một cách để cơ thể cảm thấy tỉnh táo hơn.
Ngáp khiến nhịp tim tăng cao trong khoảng 10 đến 15 giây sau đó. Hiệu quả tỉnh táo có thể tương đương một ít caffeine với cơ thể.
Khi thấy người khác ngáp, chúng ta có xu hướng muốn ngáp theo. Nguyên dân là do tác động của yếu tố tâm lý xã hội và thần kinh. Hiện tượng này gọi là echophenomena, miêu tả một nhóm các hành động mà chúng ta tự động bắt chước người khác mà không có chủ đích.
Không chỉ ngáp theo, echophenomena còn ghi nhận những kiểu bắt chước khác như bắt chước lời nói, động tác khi thấy ai đó thực hiện chúng. Trên thực tế, hiện tượng này còn xuất hiện ở động vật. Các nhà khoa học phát hiện chó và tinh tinh cũng ngáp khi thấy đồng loại ngáp.
Trẻ em là đối tượng mà các cơ chế thần kinh chưa hoàn thiện và vẫn đang phát triển. Khi nghiên cứu trên nhóm đối tượng này, các nhà khoa học không phát hiện các bé ngáp khi thấy người khác ngáp. Hiện tượng ngáp lây lan chỉ xuất hiện khi trẻ được 4 hay 5 tuổi, theo New Scientist.
Tương tự, những người trưởng thành mắc bệnh tự kỷ hoặc tâm thần phân liệt cũng không bắt chước hành động ngáp khi thấy người khác ngáp. Họ đều là những nhóm có sự phát triển tâm lý xã hội khác người bình thường.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết mức độ gần gũi về mặt tình cảm cũng quyết định hành động ngáp có lây lan hay không. Nếu người ngáp là người thân trong gia đình thì chúng ta có xu hướng sẽ ngáp theo nhiều hơn so với người lạ.
Bình luận (0)