Ngày 28.7, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết cấp có thẩm quyền đã đồng ý về chủ trương chuyển hồ sơ sai phạm tại Saigon Co.op sang Công an TP.HCM để khẩn trương điều tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cá nhân liên quan, theo kiến nghị của Thanh tra TP.HCM.
Như Thanh Niên hôm qua (28.7) đã thông tin, Thanh tra TP.HCM vừa có kết luận khẳng định Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước...
Đơn vị “đặc thù”, hưởng nhiều ưu đãi
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau 31 năm thành lập, Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã trở thành nhà bán lẻ hàng đầu VN, vào Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Saigon Co.op đang dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với tỷ lệ khoảng 43%, gấp khoảng 4 lần so với doanh nghiệp đứng thứ 2. Ở phân khúc đại siêu thị, đơn vị này cũng là nhà bán lẻ nội địa duy nhất nằm trong danh sách cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế như BigC, Lotte Mart, Aeon Mall.
Lợi nhuận của Saigon Co.op có năm đến 1.500 tỉ đồng
|
Do tính chất đặc thù như vậy, Saigon Co.op được UBND TP.HCM và các cơ quan có thẩm quyền ưu đãi trong giao, thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chủ trương của Thành ủy, UBND TP.HCM (bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh lương thực…). Nhờ đó, Saigon Co.op liên tục phát triển. Tính đến tháng 3.2019, mạng lưới Co.opmart đạt con số 110 siêu thị, 4 đại siêu thị Co.opXtra; các chuỗi cửa hàng: thực phẩm Co.op Food, Co.op, Cheers và chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại Co.opSmile… ở nhiều vị trí đắc địa và giá trị thương mại cao trên phạm vi toàn quốc. Theo số liệu công bố của Saigon Co.op, có hơn 1 triệu lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm mỗi ngày. Lợi nhuận cao, đạt từ 26 - 39% trên vốn góp.
Tăng vốn nhiều bất thường
Vào đầu năm 2020, Saigon Co.op bất ngờ tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỉ đồng vọt lên gần 6.800 tỉ đồng. Nhận thấy đây là động thái bất thường, vào tháng 3.2020 UBND TP.HCM chỉ đạo thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại Saigon Co.op. Kết luận của Thanh tra TP chỉ rõ tại Saigon Co.op có nhiều dấu hiệu phạm pháp hình sự, đặc biệt là việc tăng vốn điều lệ không đúng quy định pháp luật; có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Kỷ luật ông Diệp Dũng
|
Ngoài ra, HĐQT còn tự ra nghị quyết không đúng thẩm quyền về phương thức huy động vốn, vi phạm điểm a, khoản 4, điều 4 Thông tư số 83 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với HTX (thẩm quyền này thuộc về đại hội thành viên). Theo Thanh tra TP.HCM, hành vi sai phạm nêu trên thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký Liên hiệp HTX theo quy định tại khoản 2, điều 56 luật HTX năm 2012.
Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra những dấu hiệu không bình thường trong góp vốn. Cụ thể, HTX thương mại dịch vụ Linh Tây lỗ gần 49 triệu đồng (vốn điều lệ chỉ gần 600 triệu đồng - PV) nhưng số vốn góp đến hơn 952 tỉ đồng; HTX thương mại Thị Nghè lỗ hơn 163 triệu đồng nhưng góp hơn 244 tỉ đồng; HTX thương mại Cầu Kinh lỗ hơn 105 triệu đồng nhưng góp 2,9 tỉ đồng; HTX thương mại Đô Thành lỗ hơn 721 triệu đồng nhưng góp đến hơn 247 tỉ đồng; HTX thương mại Bàn Cờ lỗ hơn 1,8 triệu đồng nhưng góp hơn 6 tỉ đồng… Theo Thanh tra TP.HCM có nhiều cá nhân, tổ chức bên ngoài, không phải là HTX thành viên, nhưng “mượn tay” HTX thành viên để “rót” vốn vào Saigon Co.op. Trong khi theo quy định, vốn huy động từ các HTX thành viên phải trên tinh thần tự nguyện, không được đi vay hoặc huy động từ nguồn vốn của đối thủ cạnh tranh.
“Việc làm này cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên thì Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài, và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Saigon Co.op”, kết luận thanh tra nêu.
Bất hợp tác với thanh tra
Cũng theo Thanh tra TP.HCM, quá trình thanh tra, để làm rõ sự lũng đoạn xảy ra tại Saigon Co.op, cơ quan này làm việc với 23/26 (có 3 đơn vị không đến làm việc) HTX thành viên, xác định có 20 đơn vị tham gia góp vốn vào Saigon Co.op, trong đó có cá nhân bên ngoài tham gia góp với giá trị vốn rất cao. Thế nhưng, các HTX thành viên đã không cung cấp cho đoàn thanh tra các hồ sơ liên quan đến việc góp vốn.
Đến ngày 29.4, Thanh tra TP.HCM mời (lần 2) đối với 26 HTX thành viên của Saigon Co.op để tiếp tục làm rõ nguồn vốn góp (tăng thêm khoảng gần 3.600 tỉ đồng), nhưng HTX thương mại dịch vụ Linh Tây (đơn vị góp cao nhất, hơn 952 tỉ) vẫn không đến làm việc. Ngoài ra, có 13 HTX thành viên ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Bính (địa chỉ cư trú tại P.Dương Nội, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) đến làm việc với đoàn thanh tra. Tuy nhiên, người đại diện theo ủy quyền (ông Bính) và các HTX có đến làm việc cũng không cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra.
Trước đó, ngày 24.7, Thanh tra TP.HCM có văn bản đề nghị ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, tạm đình chỉ việc tiến hành đại hội thành viên cho đến khi có kết luận thanh tra chính thức và ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Saigon Co.op không chấp hành, vẫn tổ chức đại hội biểu quyết các vấn đề liên quan làm ảnh hưởng đến hoạt động và nội dung kết luận thanh tra về công tác nhân sự, phương án huy động vốn, tăng vốn điều lệ, việc rút vốn của các HTX thành viên…
Bình luận (0)