Con đường quay lại trường ĐH không dễ dàng
Hiện là thợ may tại một tiệm may trên đường Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú, TP.HCM), Nguyễn Thu Sương kể, cách đây 12 năm, cô đậu vào ngành kế toán Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.
Tuy nhiên, học được 2 năm thì mẹ bị bệnh hiểm nghèo nên Sương phải nghỉ giữa chừng để chăm sóc mẹ và xin bảo lưu kết quả học tập. Khi đó, Sương vẫn nghĩ một thời gian sau mình sẽ quay lại, nhưng cuộc sống khó khăn khiến cô nghỉ học.
Mẹ qua đời một thời gian, Sương lấy chồng và học nghề may. Nhìn bạn bè tốt nghiệp ĐH đi làm, có cuộc sống thoải mái, Sương cảm thấy tủi thân. Ước mơ về một công việc "tiếp xúc với thật nhiều con số" của cô vẫn còn trở đi trở lại mỗi đêm.
"Có lần tôi nghĩ hay mình quay trở lại trường hỏi thử xem có được học tiếp hay không. Nhưng tôi hỏi bạn bè thì các bạn nói không được, muốn học lại ĐH là phải ôn rồi thi mấy môn để xét nên tôi đành dừng bỏ ý định đó. Giờ đâu còn nhớ được kiến thức toán, lý, hóa phổ thông mà thi", Sương kể.
Người học luôn mong muốn được tạo điều kiện học tập suốt đời |
mỹ quyên |
Sương chỉ là một trong nhiều trường hợp phải bỏ ĐH giữa chừng, và không thể quay lại vì nghỉ học quá thời gian quy định.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhận định: "Quả thực có không ít sinh viên đang học mà phải dừng vì nhiều lý do, như hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc muốn rẽ sang một hướng khác, hoặc nam sinh viên thì đi nghĩa vụ quân sự.... Có em thì kịp quay lại sau một vài năm và tiếp tục học, nhưng có những em nghỉ luôn, cho đến một độ tuổi nào đó bỗng có động lực học ĐH trở lại. Lúc này, các em sẽ gặp khó khăn vì những kiến thức đã học ĐH trước đây không còn được bảo lưu nữa".
Thạc sĩ Phạm Thùy Linh, Phó khoa ngôn ngữ văn hóa quốc tế Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, cũng chia sẻ: "Tôi từng ký giấy bảo lưu cho nhiều sinh viên, phần lớn các em nghỉ để đi làm thêm lấy tiền trang trải học phí. Một số bạn thì xin nghỉ luôn vì khó khăn, nhất là trong mấy năm dịch vừa rồi. Trong số đó nhiều bạn học rất giỏi. Nếu các bạn còn động lực học tập và quay lại trong thời gian quy định thì tốt, nhưng quá thời gian mà muốn học tiếp ĐH, thì chắc chắn là khó khăn rồi. Thực tế ở nước ta, việc một người muốn "học tập suốt đời" chưa được tạo điều kiện tối đa về quy chế, trường lớp...".
Nên bỏ quy định thời gian bảo lưu kết quả học tập
Theo thạc sĩ Linh, trong thời gian học ở Hàn Quốc, cô đã đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thạc sĩ Linh kể: "Lớp học cao học của mình có rất nhiều cô, chú lớn tuổi. Không chỉ vậy, ở hầu hết các ĐH của Hàn Quốc đều có trường/khoa giáo dục suốt đời. Ở đây, những người lớn tuổi đều có thể đăng ký học những ngành phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của mình mà không cần phải có bằng tốt nghiệp THPT. Sau khi kết thúc, trường sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học tập suốt đời có giá trị trên toàn quốc".
Ngoài ra, những người đã tốt nghiệp ĐH ở Hàn Quốc, nếu sau này lớn tuổi muốn học tiếp văn bằng 2 thì trường ĐH sẽ công nhận các kiến thức đại cương và chỉ phải học tiếp các môn chuyên ngành, sau 2 năm là có bằng ĐH mà không cần phải thi, xét hay học lại toàn bộ từ đầu.
"Tôi mong rằng Việt Nam mình cũng nên khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho những người có tinh thần học tập suốt đời được theo học, bằng chính sách mở thực sự. Bỏ quy định về thời gian bảo lưu kết quả học tập, từ đó người học dù lớn tuổi, nếu đã trúng tuyển và học 1, 2 năm ĐH ở những năm trước đó, sẽ không cần phải thi hay xét đầu vào, đồng thời được công nhận kết quả học tập trước đây", thạc sĩ Linh nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng với bất cứ công dân nào trước đó không có điều kiện học ĐH, phải bỏ dở, mà sau này lại có động lực quay trở lại giảng đường, hoặc người từng có bằng ĐH mà sau này lại muốn học thêm một chương trình ĐH khác nữa, thì Bộ GD-ĐT nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ được "học tập suốt đời".
"Nên cho các trường ĐH được chủ động, linh hoạt tiếp nhận người học theo tiêu chí phù hợp vì nhu cầu này hiện nay tương đối nhiều. Hỗ trợ người học quay trở lại trường, công nhận kết quả học tập trước đó của họ và quan trọng là người học nghiêm túc thực hiện chuẩn đầu ra, điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với quy định "làm khó" ở đầu vào", thạc sĩ Hoàng Anh cho hay.
Còn Nguyễn Duy Kiên, sinh viên năm cuối ngành cơ điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng nêu mong muốn: "Có thể 5 hay 10 năm nữa em muốn học tiếp một ngành về kinh tế, em hy vọng là mình sẽ không phải ôn thi lại và học lại mọi kiến thức từ đầu. Em mong trường ĐH lúc đó sẽ tiếp nhận ở các thủ tục đơn giản nhất, và những kiến thức đại cương mà em đã học hiện nay sẽ được công nhận".
Bình luận (0)