Ngày 6.8, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an tổ chức họp báo thông báo về việc Bộ Công an chủ trì tổ chức Hội nghị những người đứng đầu cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước ASEAN (DGICM) lần thứ 27.
Vì sao có hộ chiếu mà công dân không nhận được?
Tại buổi họp báo, trả lời về tình trạng trên hệ thống cổng dịch vụ công thông báo đã có hộ chiếu nhưng công dân không nhận được, đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Cục phó A08, cho hay khi nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên cổng dịch vụ công Bộ Công an, người dân có thể lựa chọn nhận hộ chiếu trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) hoặc tại nhà thông qua dịch vụ bưu chính.
Theo đại tá Tuấn, thời gian qua, A08 nhận được nhiều phản ánh của công dân về việc không nhận được hộ chiếu. Qua kiểm tra, A08 nhận thấy, do công dân đăng ký nhận hộ chiếu trực tiếp tại cơ quan QLXNC nhưng không đến lấy mà chờ bưu điện chuyển hộ chiếu về nhà. Tuy nhiên, khi nhân viên bưu điện liên hệ để chuyển trả hộ chiếu thì người dân không nghe điện thoại do số máy lạ, hoặc lý do nào đó.
Cũng có trường hợp người dân ghi sai thông tin lúc đăng ký địa chỉ nhận hộ chiếu, khiến nhân viên bưu chính gặp khó khăn khi giao hộ chiếu…
Đại tá Tuấn cho rằng, những lý do này đã kéo dài thời hạn nhận hộ chiếu của công dân.
"Chúng tôi rất mong muốn và khuyến cáo đến công dân khi làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến thì cần khai đúng địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Cạnh đó, công dân nên thường xuyên cập nhật kết quả, tình trạng hồ sơ trên cổng dịch vụ công, hòm thư điện tử, tin nhắn điện thoại... để nhận kết quả thuận lợi, đúng thời gian cấp hộ chiếu", đại tá Tuấn nói.
Những lưu ý khi hồ sơ cấp hộ chiếu không được tiếp nhận
Về việc nhiều hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên cổng dịch vụ công chậm được tiếp nhận, xử lý, đại tá Tuấn cho hay, trường hợp hồ sơ hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ gửi thông báo đóng lệ phí. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì gửi thông báo về việc bổ sung hồ sơ qua thư điện tử và tin nhắn điện thoại.
Tuy nhiên, có trường hợp công dân không quan tâm đến tin nhắn nên không kiểm tra hoặc không thực hiện yêu cầu bổ sung nên hồ sơ sẽ bị "treo" trên cổng dịch vụ công và cán bộ không thể xử lý được.
Đại tá Tuấn cho biết cũng có trường hợp sau khi hoàn thiện các thủ tục liên quan, hồ sơ đầy đủ nhưng công dân quên nộp lệ phí nên cán bộ xuất nhập cảnh không thể tiếp nhận hồ sơ để thực hiện các bước tiếp theo.
"Chúng tôi đề nghị công dân khi nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến, cần theo dõi tin nhắn và thư điện tử được gửi từ cổng dịch vụ công", đại tá Tuấn cho hay.
Gần 9 triệu người nước ngoài nhập cảnh trong 6 tháng đầu năm
Về công tác quản lý xuất nhập cảnh trong 6 tháng đầu năm 2024, theo đại tá Đặng Tuấn Việt, Cục phó A08, lưu lượng nhập cảnh của người nước ngoài là hơn 8,8 triệu lượt, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023; cấp gần 1,5 triệu thị thực điện tử.
6 tháng đầu năm, công dân Việt Nam xuất cảnh tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023. A08 đã cấp hơn 1,3 triệu hộ chiếu cho công dân Việt Nam, trong đó tỷ lệ nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến là 97%.
Theo đại tá Việt, A08 đã hoàn thiện các tính năng, tiện ích để nâng cao chất lượng cung cấp 38/40 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ công thiết yếu cấp hộ chiếu phổ thông đạt trên 80%; nhiều dịch vụ đạt tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số vướng mắc như một bộ phận người dân vẫn có thói quen nộp hồ sơ trực tiếp truyền thống; khả năng sử dụng máy tính, internet còn hạn chế… Cạnh đó, còn một số lỗi của cổng dịch vụ công Bộ Công an chưa được khắc phục kịp thời.
Đại tá Việt nhấn mạnh A08 sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện tiện ích của dịch vụ công Bộ Công an để người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện.
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27
Tại buổi họp báo, đại tá Đặng Tuấn Việt cho biết, năm 2024 Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự trong khu vực ASEAN.
Hội nghị DGICM được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, theo cơ chế họp thường niên định kỳ hằng năm, luân phiên đăng cai chủ nhà. Hội nghị là diễn đàn để các nước ASEAN bàn thảo những vấn đề cùng quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự.
Việt Nam tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị DGICM từ năm 1997 và luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong các hoạt động. Việt Nam đã 2 lần đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM vào năm 2003 tại Hà Nội và năm 2013 tại TP.HCM, đều được đánh giá tích cực từ khối ASEAN và các đối tác của ASEAN.
Bình luận (0)