Vì sao có người 'buồn muốn khóc' sau khi 'yêu'?

15/08/2020 00:08 GMT+7

Ngay cả khi tự nguyện và đạt cực khoái thì nhiều người có thể vẫn không hưng phấn hoặc thư giãn mà cảm thấy cáu kỉnh, buồn bã, thậm chí, muốn khóc. Chứng post-coital tristesse - PCT (buồn bã/u sầu sau quan hệ tình dục ) này do đâu?

Ba giai đoạn đầu tiên trong mô hình chu kỳ phản ứng tình dục của con người - kích thích, hưng phấn, cực khoái - được các nhà nghiên cứu tìm hiểu khá rõ.
Tuy nhiên, giai đoạn thứ tư - hạ nhiệt - lại ít được nghiên cứu. Giai đoạn này thường là những trải nghiệm tích cực về mặt cảm xúc, với các cảm giác khác nhau, từ phấn khích đến mãn nguyện. Đó cũng là thời điểm cặp đôi gắn kết khi họ âu yếm, hôn nhau, nói chuyện, đắm mình trong dư vị tình dục, theo PT.
Tuy nhiên, ngay cả khi cả hai đều tự nguyện và đạt cực khoái, lúc hạ nhiệt vẫn có nhiều người có thể không dẫn đến hưng phấn hoặc thư giãn mà là cảm giác cáu kỉnh, buồn bã và thậm chí muốn khóc. Tình trạng này là post-coital tristesse - PCT (buồn bã/u sầu sau quan hệ tình dục).
Tỷ lệ mắc PCD ở phụ nữ đã được khám phá trong các nghiên cứu trước đây. Cụ thể, gần một nửa phụ nữ đã trải qua PCD ít nhất một lần trong đời, 5-10% vừa trải qua nó vào tháng trước khi được hỏi và khoảng 2% chịu PCD thường xuyên. Nói cách khác, ngay cả khi quan hệ tình dục thuận lợi thì không có gì lạ khi nhiều phụ nữ cảm thấy buồn bã sau khi đạt cực khoái, theo PT.
Các nhà tâm lý học đến từ Úc Joel Maczkowiack và Robert Schweitzer đã mở rộng vấn đề này ở nam giới trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Trị liệu Tình dục và Hôn nhân (Anh). Xem xét hơn 1.200 người tham gia - độ tuổi trung bình là 37, đến từ 78 quốc gia khác nhau, phần lớn đang trong mối quan hệ có tình dục - các nhà nghiên cứu đánh giá các yếu tố có thể liên quan đến buồn bã/u sầu sau quan hệ tình dục, bao gồm: Tâm lý đau khổ (cảm giác và tiền sử lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực); Bị lạm dụng trong quá khứ (đã từng bị lạm dụng trước hay sau 16 tuổi hay không); Rối loạn chức năng tình dục khác (ham muốn tình dục thấp, rối loạn cương dương, xuất tinh chậm và xuất tinh sớm).
Qua đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy, PCD ở đàn ông tương tự như phụ nữ trong các nghiên cứu trước đó. Cụ thể, 41% nam giới trải nghiệm PCD ít nhất một lần trong đời, 20% đã từng bị như vậy mới tháng trước. Nói cách khác, buồn bã/u sầu sau quan hệ tình dục là một trải nghiệm chung ở cả nam và nữ, theo PT.
Những người tham gia mô tả biểu hiện buồn bã/u sầu sau quan hệ tình dục của họ gồm: cảm giác ghê tởm bản thân, cảm giác xấu hổ, các giai đoạn tương tự trầm cảm. Một số người thường cố gắng giấu bạn tình về những lần khóc một mình để tránh làm họ lo lắng.
Cả 3 yếu tố đã nói đều tương quan với trải nghiệm buồn bã/u sầu sau quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bị lạm dụng thời thơ ấu và rối loạn chức năng tình dục có thể ảnh hưởng đến PCD, nhưng PCD cũng thường xảy ra ngay cả khi không có những điều này.
Trong khi đó, tâm lý đau khổ có thể tiên đoán được PCD một cách mạnh mẽ. Những người đàn ông trong nghiên cứu này thường trải qua buồn bã/u sầu sau quan hệ tình dục khi họ cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm trong cuộc sống. Đây là một phát hiện quan trọng vì nó cho thấy việc giải quyết các vấn đề tâm lý chung có thể giúp giảm bớt PCD.
Nhóm nghiên cứu lưu ý, kỳ vọng về quan hệ tình dục hoàn hảo là không hợp lý. Thay vào đó, chúng ta nên chấp nhận một số giai đoạn tình dục sẽ viên mãn hơn những giai đoạn khác. Và miễn là buồn bã/u sầu sau quan hệ tình dục (PCD) không xuất hiện thường xuyên và nếu có xảy ra mà không khiến ta đau khổ quá, thì nó nên được coi là một phần của trải nghiệm tình dục bình thường của con người, chứ không phải là một chứng rối loạn, theo PT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.