Vì sao có nhiều người sợ thuê phòng trọ chung chủ?

01/07/2024 16:03 GMT+7

Khi đi thuê trọ ai cũng mong muốn tìm được chủ nhà tốt tính, không gian thoải mái, phù hợp với mức sống. Tuy nhiên, nhiều người trẻ trăn trở vấn đề liệu có nên thuê những phòng trọ chung chủ?

Ở trọ chung chủ có nhiều rắc rối và phiền phức?

Phòng trọ chung chủ là loại hình mà người thuê và chủ nhà sẽ ở chung với nhau trong một tòa nhà hoặc dãy trọ. Họ cùng sử dụng chung lối đi và nơi sinh hoạt. Không ít người than phiền rằng ở trọ chung chủ bị mất sự riêng tư, không thoải mái vì giới hạn giờ giấc, phải tuân thủ nhiều quy định rắc rối của chủ nhà, đôi khi còn bị chủ dòm ngó, quan tâm đến đời sống riêng tư một cách thái quá… Đó là những lý do khiến nhiều người không thích thuê phòng trọ chung chủ.

Yêu cầu đầu tiên khi tìm phòng trọ của Võ Minh Quang, sinh viên Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng là không chung chủ. Nói về lý do, chàng trai này cho biết: “Ở trọ chung chủ rất phiền phức và không thoải mái. Giờ giấc thì phải tuân thủ theo khung giờ mà chủ nhà đặt ra. Nhiều khi về muộn một chút cũng không thể vào nhà. Hôm nào xem bóng đá la hét lớn tiếng là sáng hôm sau bị phàn nàn. Chưa kể chủ trọ còn đặt ra hàng loạt quy định như cấm dẫn bạn về phòng, không nhậu nhẹt, làm gì cũng bị xoi mói nên mình không thích”.

Vì sao có nhiều người sợ thuê phòng trọ chung chủ?- Ảnh 1.

Có nên thuê phòng trọ chung chủ?

THẢO PHƯƠNG

Từng ở trọ chung chủ, vì nhiều bất tiện về giờ giấc và bị chủ nhà quan tâm thái quá đến đời tư nên buộc phải chuyển đi nơi khác, Võ Thị Tố Trinh (20 tuổi), làm việc tại đường Nguyễn Văn Luông, Q.6 (TP.HCM), chia sẻ: “Lúc đó mình thuê phòng trọ tách biệt với nhà chủ nhưng cùng chung một cổng ra vào. Chủ nhà quy định sau 22 giờ là khóa cổng. Cho nên hôm nào đông khách mình làm về muộn là phải qua nhà bạn ngủ nhờ. Rồi vô vàn quy định khác như về đến cổng nhà là phải tắt máy xuống xe dắt bộ, để xe mà lệch vị trí một chút là bị ăn chửi ngay. Chưa kể còn bị xoi mói đủ kiểu mình không thể chịu được nên hết hợp đồng là dọn đi ngay dù cho chỗ đó rất an ninh”.

Cũng từ chối thuê phòng trọ chung chủ vì nhiều quy định rắc rối của chủ nhà, Lê Thị Minh Thư, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM, chia sẻ: “Năm ngoái, trong lúc đi kiếm trọ, mình có tìm được một phòng rất ổn, tuy nhiên chủ nhà ra nhiều quy định khá rắc rối. Ví dụ như phải về trước 23 giờ; người thân đến chơi phải báo trước, chỉ cho nữ vào và không được ở qua đêm. Mình thấy khá bất tiện vì nhiều lúc cuối tuần đi chơi về muộn chẳng lẽ ngủ ngoài hay ba mẹ ở quê lên thăm, bạn bè thỉnh thoảng sang chơi mà không được ở lại phòng. Vì vậy mình quyết định không thuê”.

Liệu ở trọ chung chủ có phải chỉ toàn những bất tiện?

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ở trọ chung chủ cũng có nhiều lợi ích như: an ninh, không sợ mất đồ, được hỗ trợ nhiều vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng và giá thuê phòng đôi khi cũng rẻ hơn.

Vì sao có nhiều người sợ thuê phòng trọ chung chủ?- Ảnh 2.

Ở trọ chung chủ có phải chỉ toàn những bất tiện?

THẢO PHƯƠNG

Đang ở trọ chung chủ và rất hài lòng với nơi sống hiện tại, Nguyễn Thị Tường Vy, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, chia sẻ: “Mình thấy việc ở trọ chung chủ có khá nhiều ưu điểm. Đầu tiên là sẽ an ninh hơn, ba mẹ dưới quê cũng thấy an tâm. Giá thuê rẻ hơn. Đặc biệt là với những bạn ở trọ một mình khi ốm đau hay có việc gì lúc đêm muộn cũng có thể nhờ chủ nhà hỗ trợ. Mình may mắn tìm được chủ trọ tốt, tiền điện nước rẻ vì tính theo giá nhà nước, thiết bị trong phòng có hư hỏng gì là được sửa ngay và không mất tiền”.

Với kinh nghiệm đã ở trọ chung chủ nhiều năm của mình, Vy chia sẻ: “Mình nghĩ việc ở trọ chung nhà với chủ phụ thuộc vào cả chủ và người thuê, vì phải có sự hòa hợp từ 2 bên. Chủ nhà thường không thích người thuê trọ tụ tập bạn bè ở phòng hay về khuya. Còn sinh viên thì lại không thích chủ nhà để ý quá mức đến cuộc sống của họ. Mọi người ngại chung chủ cũng vì 2 bên thường xuyên gặp mặt nhau nên dễ xảy ra xích mích, mâu thuẫn. Nhưng qua 2 lần ở trọ chung nhà với chủ mình đều thấy rất tốt, không có vấn đề gì”.

Cũng từng ở trọ chung nhà với chủ nhưng rất thoải mái, Nguyễn Thị lan Nhi (23 tuổi), ngụ tại quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ: “Chỗ mình thuê trước kia là một phòng trong nhà nguyên căn và ở chung với chủ. Cô chủ nhà mình rất tốt, giờ giấc sinh hoạt thoải mái, chỉ cần ra vào khóa cổng cẩn thận, giữ vệ sinh và không làm ồn lúc đêm muộn thôi. Hơn nữa, giá cả thuê phòng cũng rẻ. Cho nên việc ở chung nhà với chủ trọ có bất tiện hay không còn phụ thuộc vào cả 2 bên. Tuy nhiên, sau này vì chuyển công việc nên mình phải tìm phòng trọ khác”.

Vì sao có nhiều người sợ thuê phòng trọ chung chủ?- Ảnh 3.

Để có môi trường sống hòa hợp giữa chủ trọ và người thuê, thì phụ thuộc vào cả 2 bên

THẢO PHƯƠNG

Để tạo ra môi trường sống hòa hợp giữa chủ trọ và người thuê, thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên của Trường ĐH Văn Lang, đưa lời khuyên: “Với chủ nhà trọ, cần lập quy tắc rõ ràng ngay từ đầu. Trong đó, lưu ý trao đổi cụ thể về giờ giấc, việc sử dụng không gian chung cũng như làm rõ những quy định trong hợp đồng thuê nhà. Mặt khác, chủ nhà trọ nên tránh can thiệp quá mức vào cuộc sống cá nhân của người thuê cũng như không tự ý vào phòng riêng nếu chưa có sự đồng ý. Khi trao đổi ý kiến, cần cởi mở, không áp đặt vì mình là chủ nhà. Ngoài ra, chủ trọ cũng chủ động giúp người thuê trong những tình huống khẩn cấp, hiệu quả và nhanh chóng”.

Còn về phía người thuê, ông Mãi chia sẻ: “Nên tuân thủ quy tắc đã được chủ nhà đặt ra, nếu có bất đồng hay khó khăn thì nên trao đổi trực tiếp một cách lịch sự, chân thành; không tự ý giải quyết những vấn đề liên quan đến nhà cửa mà chưa có sự trao đổi cùng chủ trọ. Khi sinh hoạt trong không gian chung, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng; tránh làm phiền đến chủ nhà và những người ở chung; đảm bảo ứng xử phù hợp, tôn trọng, không gây tiếng ồn. Nếu có vấn đề phát sinh, cần trao đổi với chủ trọ”.

“Tóm lại, dù ở bên nào đi nữa, nhu cầu được thấu hiểu, tôn trọng luôn được đề cao. Chính vì vậy, trong quá trình thuê trọ, cả đôi bên nên duy trì giao tiếp cởi mở, trung thực trên cơ sở tôn trọng, hỗ trợ nhau. Nếu có vấn đề phát sinh ngoài mong muốn, cả đôi bên cần tìm giải pháp thay vì đổ lỗi; lắng nghe để cùng xử lý hiệu quả vấn đề”, ông Mãi cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.