Vì sao có trường không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế xét chuẩn đầu ra?

11/10/2024 10:46 GMT+7

Một trường đại học (ĐH) tại TP.HCM quy định không sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét tốt nghiệp sinh viên.

Vì sao có trường không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế xét chuẩn đầu ra?- Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

NHẬT THỊNH

Bắt buộc học tiếng Anh tại trường

Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM liên quan đến chuẩn đầu ra ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp.

Theo một sinh viên khóa K20, năm 2020 Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ban hành Quyết định 670/QĐ-ĐHGTVT ngày 25.9.2020, cho phép sinh viên được nộp chứng chỉ TOEIC 500 để xét công nhận đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Hiện tại trên trang sinh viên, thông tin chuẩn đầu ra vẫn đang là TOEIC 500.

Tuy nhiên, sinh viên này cho biết: "Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM hiện ban hành Quyết định 333/QĐ-ĐHGTVT bãi bỏ các quy định trái với quy định trước đó, bắt buộc sinh viên phải học tiếng Anh trong trường. Sự thay đổi này gây khó, làm chậm tiến độ ra trường của sinh viên. Em có liên hệ trực tiếp với phòng đào tạo đều nhận được câu trả lời là bắt buộc học trong trường".

Sinh viên này dẫn ra quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh; chương trình, tổ chức học, thi kết thúc học phần của môn học tiếng Anh tổng quát; công nhận đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ban hành đầu năm 2023. Quy định này áp dụng cho sinh viên học các chương trình đào tạo, ngoại ngữ ngành ngôn ngữ Anh chương trình chính quy đại trà từ khóa tuyển sinh năm 2020.

Theo điều 2 về chuẩn đầu ra tiếng Anh, trường quy định sinh viên phải đạt cấp độ tiếng Anh từ bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam của Bộ GD-ĐT và có kiến thức tiếng Anh chuyên môn đặc thù đảm bảo sinh viên có đủ khả năng nghiên cứu tài liệu chuyên môn và làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Để công nhận đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh, trường định kỳ tổ chức xét công nhận đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên khi kết thúc mỗi đợt thi kết thúc học phần của môn học. Sinh viên được công nhận đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh khi hoàn thành các học phần English B1.4 – 006118.

Sinh viên chỉ được miễn học môn học khi thuộc một trong các trường hợp sau: học các chương trình đào tạo chuyên ngành thuộc ngành khoa học hàng hải và sử dụng chứng chỉ tiếng Anh hàng hải do trường đào tạo từ trình độ 2 trở lên thay cho điều kiện được trường công nhận đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh khi xét công nhận tốt nghiệp; Học chương trình đào tạo thứ hai với chương trình đào tạo thứ nhất thuộc ngành ngôn ngữ Anh.

"Với quy định trên, trường không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sinh viên nộp để xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Sinh viên bắt buộc phải học và hoàn thành các học phần tiếng Anh do trường tổ chức", sinh viên này nói.

Vì sao có trường không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế xét chuẩn đầu ra?- Ảnh 2.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM lý giải nguyên nhân không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét chuẩn đầu ra

ẢNH: UT.EDU.VN

Nhà trường nói gì?

Trước phản ánh của sinh viên, đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết việc thay đổi chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường có lộ trình và được thông tin đến sinh viên khóa 2020 bằng nhiều hình thức: giao ban đào tạo với các khoa/viện quản lý, khoa/viện họp chuyên môn với giảng viên, quản lý chương trình... Việc chuyển đổi này được trường thực hiện bằng việc bố trí kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu vào, bố trí các học phần tiếng Anh theo trình độ của sinh viên ngay trong chương trình đào tạo để sinh viên hoàn thành theo đúng lộ trình của chuẩn đầu ra tiếng Anh và mọi việc đều diễn ra công khai.

"Sau khi ban hành Quyết định số 333, trường có tiếp nhận một vài phản hồi từ sinh viên về chuẩn đầu ra tiếng Anh. Tại thời điểm này, trường đã và vẫn tạo điều kiện cho sinh viên bằng cách tiếp nhận quy đổi các học phần tiếng Anh tổng quát, kết hợp thi sát hạch tiếng Anh chuyên ngành trong chương trình đào tạo sang các học phần tiếng Anh trong quy định về chuẩn đầu ra tiếng Anh (Quyết định số 333). Đồng thời, theo kế hoạch đào tạo thì đến năm 2023 sinh viên đã đạt được cấp độ 6 sau khi được quy đổi. Do vậy, đây là giải pháp hỗ trợ sinh viên tốt nhất, trường đã áp dụng để đảm bảo cho các em ra trường đúng tiến độ", đại diện trường nói thêm.

Riêng về quy định không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét chuẩn đầu ra, đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lý giải: "Trường đào tạo một số lĩnh vực đặc thù, trong đó yêu cầu phải có trình độ tiếng Anh chuyên ngành như: hàng hải, logistics, xây dựng công trình giao thông… Qua nhiều năm quản lý đào tạo, xuất hiện tình trạng nhiều sinh viên bị các hội nhóm bên ngoài lừa đảo, cung cấp các chứng chỉ ngoại ngữ giả dẫn đến khi xét tốt nghiệp bị chậm trễ. Các em có năng lực thực sự thì kiểm tra cũng chỉ đạt tiếng Anh tổng quát, chưa đáp ứng được tiếng Anh chuyên ngành của lĩnh vực giao thông vận tải".

Đại diện này nói thêm: "Chương trình đào tạo tiếng Anh của trường được xây dựng trên cơ sở tích hợp tiếng Anh tổng quát (đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của Bộ GD-ĐT) và tiếng Anh chuyên ngành theo các quy định của tổ chức quốc tế về giao thông vận tải".

"Như vậy, với chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường cùng với những kiến thức chuyên môn và kỹ năng tích lũy được trong quá trình học, sinh viên trường tự tin tham gia vào thị trường lao động, thích nghi trong bối cảnh toàn ngành giao thông vận tải hội nhập quốc tế", đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM khẳng định thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.