Vì sao công an và tư pháp cùng ‘than’ về công tác giám định hình sự?

07/11/2023 18:42 GMT+7

Giám định trong án hình sự chiếm tỷ lệ rất cao so với nhiều lĩnh vực khác, nhưng do vướng luật nên giám định tốn nhiều thời gian, khiến vụ án bị kéo dài.

Giám định hình sự chiếm tỷ lệ cao nhất

Ngày 7.11, tại TP.HCM, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, tổ chức tọa đàm về việc thi hành luật Giám định tư pháp và các văn bản liên quan.

Theo ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, lượng án hình sự phải giải quyết của TP.HCM là lớn nhất cả nước. TP.HCM có 3 tổ chức giám định tư pháp, gồm: Trung tâm Pháp (Sở Y tế TP.HCM), Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an TP và Văn phòng Giám định tư pháp Sài Gòn (hoạt động trong lĩnh vực tài chính), có 6 tổ chức giám định tư pháp theo vụ (trong lĩnh vực xây dựng, giám định xe cơ giới, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ).

Từ năm 2018 đến giữa năm 2023, giám định trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự hơn 65.700 vụ việc, pháp y hơn 58.000 vụ việc, trong xây dựng là 278 vụ việc, trong thông tin và truyền thông là 69 vụ việc, trong lĩnh vực tài chính là 31 vụ việc...

Vì sao công an và Sở Tư pháp cùng ‘than’ về công tác giám định hình sự? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM

NGÂN NGA

Về lĩnh vực kỹ thuật hình sự, công tác giám định tài liệu, tốn nhiều thời gian, công sức và sự phối hợp cho việc giám định tài liệu khi bản so sánh (bản chính tài liệu cần giám định) nằm ở tổ chức hành nghề công chứng.

Theo quy định của luật Giám định tư pháp, bộ luật Tố tụng hình sự, thì tài liệu cần giám định và tài liệu mẫu so sánh phải là bản chính do cơ quan điều tra thu thập, cung cấp cho cơ quan giám định.

Tuy nhiên, tại khoản 3 điều 64 luật Công chứng quy định: "Việc đối chiếu với bản chính chỉ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi đang lưu giữ hồ sơ công chứng". Do đó, việc nghiên cứu giám định tại chỗ ở các tổ chức hành nghề công chứng tốn rất nhiều thời gian cho cơ quan giám định.

5 vướng mắc lớn nhất trong giám định hình sự

Theo đại diện của Sở Tư pháp TP.HCM, công tác giám định súng đạn, công cụ hỗ trợ đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay chưa có danh mục, catalogue vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, chưa có hướng dẫn kết luận của viện khoa học hình sự, nên khó khăn cho công tác giám định súng đạn, đặc biệt là đối với những loại súng tự chế, súng không rõ nguồn gốc.

Cũng theo ông Băng, tại danh mục đồ chơi nguy hiểm bị cấm ban hành theo Quyết định số 464 năm 1993 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) không còn phù hợp nhưng chưa được bổ sung, thay thế. Trong khi thực tế, cơ quan điều tra trưng cầu nhiều loại đồ chơi mới, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người mà lại thiếu căn cứ pháp lý, nên việc kết luận giám định rất khó khăn.

Đại diện Công an TP.Cần Thơ chia sẻ thêm, đối với giám định pháp y tâm thần, trình tự thủ tục giám định còn nhiều phiền hà, phức tạp. Một số trường hợp, đối tượng được trưng cầu giám định pháp y tâm thần để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự, trong quá trình giám định, họ có các bệnh lý khác phải nhập viện, nhưng hoàn cảnh khó khăn, không thể chi trả chi phí điều trị.

Vì sao công an và Sở Tư pháp cùng ‘than’ về công tác giám định hình sự? - Ảnh 2.

Tại tọa đàm, chuyên gia cho rằng công tác giám định tư pháp hiện nay gặp nhiều khó khăn

NGÂN NGA

Cơ quan điều tra cũng không có nguồn kinh phí để thanh toán cho đối tượng trên. Cạnh đó, trung tâm pháp y tâm thần lại không thể tiến hành giám định tại nhà do trái quy định của Bộ Y tế. Do đó, ảnh hưởng đến công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Ngoài ra, một số vụ tai nạn giao thông có hậu quả chết người xảy ra, thân nhân của nạn nhân từ chối không đồng ý cho khám nghiệm tử thi. Vì thế, cơ quan điều tra phải tiến hành trưng cầu giám định nguyên nhân tử vong của nạn nhân tại phân viện khoa học hình sự qua hồ sơ bệnh án, nhưng không kết luận được nguyên nhân tử vong của nạn nhân. Việc này ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết, một số vụ việc phải tạm đình chỉ chờ kết quả giám định.

Trong vụ án cố ý gây thương tích, nạn nhân hoặc gia đình họ không hợp tác, cương quyết từ chối giám định. Lý do, sau khi sự việc xảy ra, các bên thống nhất thỏa thuận đền bù dân sự, nên không giám định được trên đối tượng giám định, hoặc khi không đạt được thỏa thuận, lúc này người bị hại mới có đơn yêu cầu giải quyết.

"Sau một thời gian dài vết thương đã lành, hoặc có vết thương khác chồng đè lên vết thương cũ, điều này dẫn đến kết quả giám định không chính xác, gây khó khăn trong việc giải quyết vụ việc, vụ án cho cơ quan tiến hành tố tụng", đại diện Công an TP.Cần Thơ nêu.

Từ những vướng mắc trên, ông Nguyễn Thành Băng kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, có cơ chế ưu đãi để khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động giám định tư pháp.

"Theo tôi, các bộ cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép các cơ quan, tổ chức, giám định viên tư pháp thuê các doanh nghiệp thẩm định giá, không qua trình tự thủ tục đấu thầu, để đảm bảo tiến độ trả kết quả giám định theo thời hạn quy định", ông Băng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.