Ngứa cổ họng vào ban đêm là tình trạng rất phổ biến. Đây là hệ quả tự nhiên của việc cơ thể chúng ta có xu hướng uống ít nước hơn vào ban đêm so với ban ngày, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Mọi người thường có xu hướng uống ít nước vào ban đêm hơn so với ban ngày. Trong khi đó, cơ thể vẫn cần lượng nước tương tự để tiết nước bọt, nước mắt, làm ẩm da và nhiều chức năng khác. Đặc biệt, một số người lại bị đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm. Tình trạng này khiến cơ thể dễ bị mất nước và dẫn đến khô họng.
Những nguyên nhân khác khiến cổ họng bị khô ngứa còn là do hút thuốc, uống cà phê, rượu bia hoặc sử dụng một số loại thuốc. Ở một số nơi, tình trạng ô nhiễm không khí cũng là tác nhân gây khô họng, kèm theo đó là những triệu chứng khác như thở khò khè, ho, cảm giác nóng rát ở mắt, khó chịu ở mũi. Một số vấn đề sức khỏe như trào ngược a xít, dị ứng, ngưng thở khi ngủ hoặc nhiễm virus cũng có thể gây khô cổ họng vào ban đêm.
Để giảm khô ngứa cổ họng, điều đầu tiên là hãy uống đủ nước. Nếu cổ họng khô ngứa gây khó ngủ hay giật mình vào ban đêm thì hãy pha một tách trà hoa cúc ấm và uống, nhờ đó sẽ giúp giảm cảm giác khô ngứa họng. Đồng thời, cần tránh rượu bia và caffein vì chúng sẽ khiến cơn ngứa cổ họng nặng hơn.
Nếu trà không hiệu quả thì hãy nuốt 1 muỗng mật ong hoặc cho thêm mật ong vào trà nóng. Ngoài ra, một số loại kẹo ngậm cũng giúp giảm kích ứng cổ họng và kích thích tăng tiết nước bọt. Một cách khác là hãy thử các món lạnh, chẳng hạn như kem, hay dùng máy tạo độ ẩm vào ban đêm để giữ độ ẩm phù hợp cho phòng ngủ.
Nếu tình trạng ngứa cổ họng kéo dài không khỏi thì hãy đến bác sĩ kiểm tra. Điều này đặc biệt cần thiết nếu khô ngứa họng kèm theo các triệu chứng như sốt, đau họng hoặc đau khi nuốt. Trong trường hợp người bệnh bị sưng họng, khó thở, phát ban, thở khò khè hay co thắt cổ họng thì phải đến bệnh viện ngay vì đây là tình huống cần chăm sóc y tế khẩn cấp, theo Healthline.
Bình luận (0)