Vì sao đã thanh toán bệnh bại liệt nhưng trẻ vẫn cần tiêm chủng ?

03/09/2018 10:33 GMT+7

Từ tháng 9.2018, vắc xin phòng bại liệt tiêm (IPV) I movax Polio được Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia chính thức triển khai trên quy mô toàn quốc.

Vắc xin an toàn
Vắc xin này được chỉ định tiêm phòng bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi. Trong tháng 6 và 7.2018, vắc xin IPV Imovax Polio đã được triển khai trên quy mô nhỏ tại các điểm tiêm chủng thường xuyên (thuộc TCMR) của 4 tỉnh: Điện Biên, Phú Yên, Gia Lai, Vĩnh Long với 4.364 trẻ 5 tháng tuổi được tiêm vắc xin này, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng và tỷ lệ sốt sau tiêm rất thấp (1,6%).
Bác sĩ Mạc Thu Hà, cán bộ chuyên trách TCMR tỉnh Vĩnh Long chia sẻ việc triển khai vắc xin IPV nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ chính quyền các cấp và các bậc cha mẹ. Một điều đáng ghi nhận là tính an toàn của vắc xin đã được kiểm chứng. Toàn tỉnh có 738 trẻ được tiêm vắc xin trong tháng 7 vừa qua nhưng chỉ ghi nhận rất ít các trường hợp trẻ có sốt nhẹ hoặc sưng tại chỗ tiêm. Hầu hết các trẻ này tự khỏi trong ngày mà không cần phải xử trí gì.
Vắc xin Imovax Polio được hỗ trợ bởi Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) do hãng Sanofi, Pháp sản xuất. vắc xin này đã đạt chứng nhận tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được cấp số đăng ký lưu hành tại VN và được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong chương trình TCMR. Trên thế giới, Imovax Polio cũng đã được sử dụng trên 540 triệu liều tại 111 quốc gia. Tại VN, trước khi được đưa vào chương trình TCMR quốc gia tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi, vắc xin này đã được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ tại VN (các gia đình tự trả phí).
Bệnh đã thanh toán vẫn cần tiêm chủng

- Vắc xin bại liệt miễn phí cho trẻ trong TCMR
Vắc xin bại liệt miễn phí cho trẻ trong TCMR Nguyễn Đoàn
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, VN đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt thông qua giám sát tốt các trường hợp mắc liệt mềm cấp (LMC) cùng với duy trì được tỷ lệ uống vắc xin bại liệt OPV đủ 3 liều trong tiêm chủng thường xuyên trên 95% ở quy mô toàn quốc. Các vắc xin bại liệt sử dụng trong 30 năm qua là vắc xin bại liệt 3 týp (týp 1, týp 2, týp 3 - tOPV) và kết quả cho thấy vắc xin tOPV là rất an toàn.
Tuy nhiên, trên thế giới có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp uống vắc xin bị bại liệt do vi rút vắc xin tái độc lực, chủ yếu là thành phần vi rút bại liệt týp 2 trong vắc xin tOPV gây ra (với tỷ lệ là dưới 1 trường hợp trong số 10 triệu liều vắc xin được sử dụng). Mặc dù nguy cơ này là rất thấp nhưng để đảm bảo không còn bất cứ trường hợp bại liệt nào, tiến tới thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, WHO yêu cầu tất cả các nước đưa thành phần vi rút bại liệt týp 2 ra khỏi vắc xin tOPV. Do đó, VN đưa vắc xin bại liệt tiêm týp 2 (IPV) vào tiêm chủng mở rộng song song với sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (týp 1, týp 3 - bOPV) cho trẻ nhỏ để thay thế vắc xin bại liệt uống 3 týp (tOPV) nhằm duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt theo khuyến cáo của WHO.
VN đã bảo vệ thành thanh toán bệnh bại liệt trong 18 năm qua, nhưng việc duy trì tỷ lệ uống vắc xin bại liệt ở mức cao cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 1 tuổi cần được uống đầy đủ 3 liều vắc xin bại liệt trên cả nước là hết sức cần thiết bởi căn bệnh nguy hiểm này có nguy cơ quay trở lại bất cứ lúc nào.
Trên thế giới, vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành ở một số quốc gia, trong khi đó, sự giao lưu quốc tế gia tăng, nguy cơ lây truyền bại liệt vào VN là hiện hữu. WHO khuyến cáo, việc duy trì tiêm chủng để tạo miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt là rất cần thiết cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.
PGS - TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng 
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.