Vì sao dàn cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận bị truy tố trước tòa án Hà Nội?

06/02/2023 16:59 GMT+7

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cùng 11 bị can thực hiện hành vi phạm tội tại Bình Thuận, nhưng bị truy tố ra trước TAND TP.Hà Nội.

Mới đây, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố 12 bị can ở vụ án giao "đất vàng" giá rẻ xảy ra tại tỉnh Bình Thuận.

Trong số này, các bị can Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, và Lương Văn Hải, cựu Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, cùng bị cáo buộc phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Vì sao dàn cựu lãnh đạo Bình Thuận bị truy tố ra trước tòa án Hà Nội? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

QUẾ HÀ

Viện kiểm sát xác định các bị can đã tham mưu, ban hành chủ trương giao 3 lô đất tại P.Phú Hải (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho Công ty Tân Việt Phát không đúng quy định (áp dụng giá đất năm 2013 thay vì năm 2017), gây thiệt hại hơn 45 tỉ đồng.

Một chi tiết đáng chú ý, đó là Viện KSND tối cao truy tố 12 bị can ra trước TAND TP.Hà Nội để xét xử, đồng thời phân công Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án tại phiên tòa sơ thẩm.

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quyết định trên của Viện KSND tối cao, bởi thông thường tội phạm xảy ra ở đâu thì sẽ bị xét xử ở đó. Vì sao 12 bị can trong vụ án này lại bị truy tố ra trước tòa án Hà Nội thay vì Bình Thuận?

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, nguyên Phó chánh Tòa hình sự TAND TP.Hà Nội, cho biết trong một số vụ án có tình tiết phức tạp hoặc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, hoặc được dư luận đặc biệt quan tâm, Viện KSND tối cao có thể kiểm sát điều tra rồi ủy quyền cho viện KSND địa phương thực hành kiểm sát xét xử. Khi viện KSND địa phương được ủy quyền, TAND cùng cấp tại địa phương đó sẽ đưa vụ án ra xét xử theo thẩm quyền.

Đối chiếu vụ án xảy ra tại Bình Thuận, Viện KSND tối cao ủy quyền cho Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố, từ đó TAND TP.Hà Nội thụ lý xét xử là hoàn toàn đúng quy định.

Vì sao dàn cựu lãnh đạo Bình Thuận bị truy tố ra trước tòa án Hà Nội? - Ảnh 2.

Bộ Công an bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hai (bìa trái) cùng một số bị can trong vụ án

QUẾ HÀ

Đồng tình quan điểm, luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) viện dẫn điều 239 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định về thẩm quyền truy tố. Theo đó, với vụ án do viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Ngay sau khi quyết định truy tố, viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Điều 269 bộ luật này cũng quy định, tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa án nơi kết thúc việc điều tra.

Nguyên tắc tội phạm xảy ra ở đâu thì xét xử ở đó là bởi tại nơi xảy ra tội phạm sẽ lưu lại những dấu vết, vật chứng, chứng cứ về hành vi phạm tội, có người làm chứng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án... Việc xét xử như vậy sẽ đảm bảo cho sự thuận lợi, có tác dụng răn đe, phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở chính địa phương nơi xảy ra hành vi phạm tội.

Tuy vậy, trong thực tiễn xét xử, có nhiều vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, Viện KSND tối cao kiểm sát điều tra và ra cáo trạng, nơi xảy ra hành vi phạm tội tại một địa phương nhưng có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, bị cáo là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương đó.

Trường hợp trên, sau khi ban hành cáo trạng, Viện KSND tối cao có thể ủy quyền cho viện KSND một địa phương cụ thể thực hành quyền công tố. Khi ấy, TAND địa phương cùng cấp với viện KSND được ủy quyền sẽ thụ lý và xét xử sơ thẩm đối với vụ án.

"Căn cứ các quy định đã nêu, Viện KSND tối cao truy tố các bị can trong vụ án ở Bình Thuận ra trước TAND TP.Hà Nội và ủy quyền cho Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố, xét xử sơ thẩm là có căn cứ", luật sư Tâm nhận định.

Xem nhanh 20h ngày 6.2: Điện chính thức tăng giá | Nhà vệ sinh công cộng Việt Nam giành giải lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.