Vì sao đăng kiểm vắng vẻ khác xa dự báo?

01/08/2024 06:24 GMT+7

Trước khi hàng loạt đăng kiểm viên hầu tòa, Bộ GTVT dự báo sẽ có nguy cơ ùn tắc, đứt gãy hệ thống kiểm định xe cơ giới. Tuy nhiên thực tế hiện nay phiên tòa xét xử "đại án" đăng kiểm đang diễn ra nhưng tình hình lại vắng vẻ lạ thường.

Chỉ đủ xe làm 1 buổi

Sáng 31.7, trong khi nhiều đăng kiểm viên đang được triệu tập trong phiên tòa xét xử vụ án hối lộ đang diễn ra tại TAND TP.HCM, PV Thanh Niên đã khảo sát một số trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn và ghi nhận tình hình khá vắng vẻ. Tại TTĐK 50-03S trên đường QL13, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM), lượng xe đến đăng kiểm thưa vắng đến nỗi chỉ mới 11 giờ sáng đã không còn xe xếp hàng bên ngoài.

Tại TTĐK 50-02S trên đường Tống Văn Trân, Q.11, lượng xe đến đăng kiểm chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước đó. Trao đổi với PV, giám đốc TTĐK này cho biết: "Mặc dù có nhiều dự đoán, cảnh báo về tình hình ùn tắc, tuy nhiên từ đầu tháng 7 đến nay lượng phương tiện đến kiểm định giảm hẳn. Mấy ngày nay, mỗi ngày chưa đến 100 xe trong khi công suất kiểm định phải gấp đôi như thế. Thực tế vào tháng 6, tháng 7 nhu cầu kiểm định rất thấp vì ít người mua sắm xe mới ở thời điểm này, theo chu kỳ kiểm định thì lượng xe giảm sút cũng dễ hiểu".

Vì sao đăng kiểm vắng vẻ khác xa dự báo?- Ảnh 1.

Lượng xe đến đăng kiểm vắng vẻ trong tháng 7

Quang Thuần

Trước đó, vào thời điểm phiên tòa xét xử vụ án hối lộ đăng kiểm sắp diễn ra, Bộ GTVT lo ngại việc hàng loạt đăng kiểm viên có nguy cơ bị kết tội bằng bản án sẽ gây ra tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng cho ngành này. Thống kê cho thấy có đến 42 địa phương với 112 TTĐK có đăng kiểm viên bị khởi tố. Theo quy định hiện hành, các TTĐK sẽ bị đình chỉ 3 tháng nếu có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ vì "bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới".

Điều này sẽ dẫn đến 91 TTĐK tại 32 địa phương phải dừng hoạt động, dự báo ít nhất 36 địa phương có nguy cơ ùn tắc phương tiện đến kiểm định, trong đó có những tỉnh, thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai… Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn TTĐK để hoạt động như Bắc KạnThái Bình. Tình trạng này cũng sẽ dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện từ 36 địa phương nói trên là rất lớn.

Giải thích với PV về thực tế có phần trái ngược với dự báo, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay: "Dự báo trước đây có nguy cơ ùn tắc là đề phòng khả năng các TTĐK bị đóng cửa theo quy định khi có đăng kiểm viên bị kết án, nhưng hiện nay thì diễn biến vẫn ổn".

Cho đăng kiểm viên sai phạm có cơ hội chuộc lỗi?

Sau khi báo cáo lên Chính phủ tình hình đăng kiểm và nguy cơ ùn tắc, đứt gãy hệ thống kiểm định xe cơ giới nếu áp dụng quy định hiện hành, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ GTVT hiện đã xây dựng và gửi dự thảo Nghị định sửa đổi để lấy ý kiến các bộ, ngành. Trong đó, dự thảo nghị định được sửa theo hướng bãi bỏ quy định tạm đình chỉ hoạt động đối với TTĐK có từ 3 lượt đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên. Không thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên đối với các trường hợp bị tòa án kết tội, cho hưởng án treo, không cấm hành nghề hoặc cho cải tạo không giam giữ.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định về việc di chuyển đơn vị đăng kiểm. Cụ thể, việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm hoặc thay đổi vị trí đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện kiểm định tại địa phương. Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định trên để tránh tính trạng nơi thiếu nơi thừa đơn vị đăng kiểm. Đặc biệt, tránh việc cấp chấp thuận chủ trương xây dựng đơn vị đăng kiểm một cách tràn lan, vượt quá nhu cầu kiểm định xe của địa phương, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Có ý kiến cho rằng cảnh báo ùn tắc nói trên là động thái của cơ quan quản lý nhằm tạo áp lực sửa nghị định theo hướng có lợi cho đăng kiểm viên và các TTĐK tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, theo một chuyên gia ô tô, tình hình đăng kiểm hiện nay không ùn tắc là vì các TTĐK chưa bị đóng cửa giống như lúc vụ án mới nổ ra. Việc cơ quan quản lý dự báo nguy cơ ùn tắc đăng kiểm là có cơ sở nếu áp dụng đúng theo các quy định hiện nay. Việc sửa quy định để các đăng kiểm viên sai phạm có cơ hội tiếp tục hành nghề cũng là hợp lý vì nghề đăng kiểm có tính chất đặc thù. Để có đăng kiểm viên làm việc được đòi hỏi phải mất nhiều thời gian đào tạo, không thể có ngay được trong khoảng thời gian ngắn.

Cụ thể, một đăng kiểm viên bậc cao (ký được các giấy tờ kiểm định) phải có thời gian đào tạo tối thiểu 9 năm, trong đó 5 năm học ở trường, 4 năm thực tập và làm việc ở các TTĐK. Việc sửa đổi quy định trong thời điểm hiện tại để tiếp tục trưng dụng, tạo điều kiện cho họ cống hiến là phù hợp để bù đắp lượng đăng kiểm viên đang thiếu hụt và giúp các TTĐK tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, quy định trên cần có lộ trình cụ thể, tức chỉ "nới" trong một đến hai năm.

"Về lâu dài chúng ta cần tiếp tục có những quy định nghiêm ngặt để đảm bảo các đăng kiểm viên nếu tiếp tục vi phạm hoạt động đăng kiểm phải bị rút giấy phép hành nghề, các TTĐK có nhân viên sai phạm phải đóng cửa như quy định hiện hành. Chứ chúng ta không thể nới quy định này mãi được", vị này nói.

Trong khi đó, Hiệp hội Ô tô vận tải VN vẫn giữ quan điểm cần phải điều chỉnh theo hướng tăng giá dịch vụ đăng kiểm, tăng thu nhập cho các đăng kiểm viên để họ yên tâm thực hiện công việc, không làm trái quy định và không có hành vi tiêu cực. Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải TP.HCM, góp ý: "Việc sửa Nghị định theo hướng bãi bỏ các quy định bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn là đúng đắn, nếu không sửa thì sẽ gây nhiều rắc rối cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần kéo dài thời hạn được miễn đăng kiểm đối với xe mới 100% (xe đăng kiểm lần đầu) cũng như kéo dài chu kỳ đăng kiểm như một số quốc gia tiên tiến. Như vậy việc đăng kiểm sẽ trở nên dễ dàng và không bị áp lực như thời gian qua".

Theo báo cáo sơ kết tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện cả nước có 275/295 TTĐK đang hoạt động với 448/547 dây chuyền kiểm định. 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định 2.819.416 lượt phương tiện. Trong đó có 2.365.575 lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, 453.841 lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.

Đối với công tác đăng ký phương tiện, 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đăng ký mới 200.093 xe ô tô, 1.150.259 xe mô tô, xe máy điện. Nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14.6.2024 là 6.541.549 ô tô, 75.772.419 mô tô, xe máy điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.