Vì sao đào tạo nghề của Việt Nam chỉ đứng thứ 80/100 quốc gia?

01/05/2022 12:41 GMT+7

Thứ hạng đào tạo nghề của Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 80 trên 100 quốc gia và thứ hạng kỹ năng nghề là 93/141 quốc gia là một trong những nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ đứng thứ 67/141 quốc gia.

Đó là thông tin mà ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đưa ra tại hội nghị triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức vào cuối tháng 4, nhằm tìm giải pháp cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Thu hút 50-55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đi học nghề là mục tiêu mà chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp hướng tới

k.c

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 26,1%

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam hiện đứng thứ 67 trên 141 quốc gia. Riêng về chất lượng đào tạo nghề, nước ta đứng thứ 80 trên 100 quốc gia trên thế giới và tại khu vực ASEAN, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

"Hiện chúng ta có 41,9 triệu người tham gia lực lượng lao động thì tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 26,1%. Một trong những nguyên nhân là nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp còn hạn chế; trong khi tuyển sinh ĐH lại quá dễ dàng, việc phân luồng học sinh sau trung học cũng chưa hiệu quả. Chưa kể vẫn có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn", ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều trường nghề chưa được đầu tư, chương trình đào tạo, trang thiết bị, cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lạc hậu, đội ngũ giáo viên chưa được nâng cao trình độ... cũng là nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo nghề còn thấp.

Từ những thực tế trên, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn từ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với các mục tiêu như đến năm 2030, đào tạo nghề sẽ thu hút 50-55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT, tỷ lệ qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35-40% còn tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%...

Đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý phụ huynh vẫn muốn con học ĐH hơn

mỹ quyên

Cần gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với trung tâm dịch vụ việc làm

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Bộ LĐ-TB-XH cũng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, giải pháp trước mắt là rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo.

Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất cơ chế hợp tác giữa nhà nước, nhà trường, người sử dụng lao động và các tổ chức có liên quan trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm.

Về tuyển sinh, ông Vũ Xuân Hùng cho rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đẩy mạnh hướng nghiệp trước, trong và sau đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là thu hút học sinh sau THCS bằng phương pháp đào tạo, chương trình phù hợp cũng như tạo được cơ hội việc làm cho người học ngay sau khi tốt nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.