Vì sao đặt nghi vấn Phó chủ tịch VFF 'mua dâm'?

27/05/2018 06:44 GMT+7

Thông tin ông Nguyễn Xuân Gụ, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN, bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện đang trong phòng khách sạn với một cô gái nhưng “quên” đăng ký tạm trú thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận những ngày qua.

Cụ thể, sự việc xảy ra khuya 24.5, Đội phòng chống mại dâm và mua bán người thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP.HCM) phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của UBND Q.1 kiểm tra hành chính một khách sạn ở Q.1, phát hiện ông Nguyễn Xuân Gụ, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) phụ trách truyền thông, đang ở cùng phòng khách sạn với chị H.N.N.T (24 tuổi, ngụ H.Củ Chi). Lực lượng kiểm tra xác định ông Gụ sử dụng giấy tờ tùy thân đăng ký lưu trú phòng ở khách sạn; còn chị T. không đăng ký lưu trú.
Ngay sau khi thông tin vụ kiểm tra “bị lộ”, dư luận dấy lên nghi vấn đây có thể là một vụ mua bán dâm. Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, ông Gụ cũng đã phủ nhận thông tin ông mua dâm.
PC45 kiểm tra khi có dấu hiệu mại dâm
Theo các chuyên gia pháp luật, việc kiểm tra cư trú sẽ được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Về thẩm quyền kiểm ra cư trú, luật sư (LS) Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo quy định tại điều 26 Thông tư 35/2014 của Bộ Công an thì “cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với... cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý”.
Tuy nhiên, trong trường hợp liên quan đến ông Gụ thì việc kiểm tra lại do Đội phòng chống mại dâm và mua bán người thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP.HCM) phối hợp kiểm tra. Theo LS Trần Hải Đức (Đoàn LS TP.HCM), quy định hiện hành cho phép khi bằng nghiệp vụ cần thiết hoặc được tin báo liên quan đến dấu hiệu mại dâm tại khách sạn thì PC45 có quyền yêu cầu các cơ quan liên quan, liên ngành phối hợp kiểm tra. Nếu phát hiện có hành vi mua bán dâm, các cá nhân liên quan sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 22, điều 23 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội.
“Việc dư luận đặt nghi vấn mua dâm có thể do suy luận cô gái ở cùng phòng không đăng ký tạm trú. Mặt khác, lực lượng kiểm tra là Đội phòng chống mại dâm và mua bán người”, một cảnh sát hình sự phân tích và cho biết thêm PC45 sẽ kiểm tra trong 2 trường hợp: khi PC45 nhận tin báo, tố giác hoặc bằng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện có dấu hiệu mại dâm thì sẽ đề nghị đoàn liên ngành phối hợp hoặc khi được đoàn liên ngành đề nghị tham gia phối hợp. “Đó là nghiệp vụ bình thường”, vị này cho biết.
Chỉ kiểm tra đột xuất khi có vi phạm
Trong khi đó, theo LS Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP.HCM), Nghị định 96/2016/NĐ-CP và Thông tư 42/2017/TT-BCA quy định kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ hoặc các hình thức cho thuê lưu trú khác cho khách nghỉ qua đêm hoặc theo giờ thuộc trường hợp kinh doanh có điều kiện. Cơ quan công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự theo định kỳ không quá một lần trong một năm hoặc đột xuất.
“Theo khoản 2, điều 8, Thông tư 42 và điều 50 Nghị định 96, việc kiểm tra, thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh; phục vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền”, LS Đức nói.
Về nội dung kiểm tra, cơ quan công an được quyền kiểm tra đối với hoạt động của doanh nghiệp, kiểm tra người và phương tiện liên quan sản phẩm kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh theo quy định của pháp luật. Về thẩm quyền, các đơn vị nghiệp vụ thuộc công an các cấp chỉ được tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý. Trong trường hợp cần tiến hành kiểm tra đột xuất thì phải được thủ trưởng cơ quan công an từ cấp huyện trở lên phê duyệt bằng văn bản hoặc có văn bản chỉ đạo của công an cấp trên.
Ông Nguyễn Xuân Gụ làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín VFF
Ngày 26.5, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) có thông cáo báo chí cho rằng Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của VFF vì việc làm của ông này vào đêm 24.5 vừa qua.
Thông cáo của VFF nêu: “VFF được các cơ quan chức năng thông tin: Vào lúc 23 giờ 30 ngày 24.5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC45) phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành Q.1 (TP.HCM) đã kiểm tra hành chính lưu trú một khách sạn trên địa bàn Q.1. Tại một trong những phòng của khách sạn phát hiện người đàn ông, khai tên là Nguyễn Xuân Gụ, Phó chủ tịch VFF, ở chung một cô gái không khai báo tạm trú. Ông Nguyễn Xuân Gụ tự khai là đã từng có quan hệ với cô gái này. Trưa 25.5, VFF nhận được thông báo từ PC45 Công an TP.HCM đề nghị xác minh người khai có tên trên. Chiều cùng ngày, theo đề nghị của PC45, VFF đã cử đại diện đến cơ quan công an để phối hợp xác minh làm rõ vụ việc. Tại buổi làm việc, đại diện VFF xác nhận người đang được mời làm việc với Công an TP.HCM là ông Nguyễn Xuân Gụ”.
VFF khẳng định trong thời gian xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Xuân Gụ không được VFF cử đi công tác. Tuy nhiên, việc này gây ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh và uy tín của VFF. Hiện vụ việc đã được giao cho Ban Kiểm tra VFF tiếp tục xác minh làm rõ, đồng thời yêu cầu ông Nguyễn Xuân Gụ có giải trình liên quan đến vụ việc và sẽ được báo cáo cho thường trực và Ban Chấp hành VFF cũng như thông tin trong thời gian sớm nhất”.
Quỳnh Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.