Vì sao dễ bị đau đầu khi trời lạnh?

01/12/2023 04:05 GMT+7

Trong mùa đông, nhiệt độ lạnh sẽ kích thích vào các thụ thể cảm giác ở vùng đầu, mặt, xoang gây nên các cơn đau đầu, ngoài ra có một số loại đau đầu có thể khởi phát khi thay đổi thời tiết.

Nhiều người đau đầu khi thời tiết lạnh

Chị Nguyễn Thị Hồng (54 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết thời gian gần đây buổi sáng tại TP.HCM thời tiết se lạnh. Chị thường đi tập thể dục vào buổi sáng nhưng đi được khoảng 15 phút dưới gió lạnh là đau đầu, khó chịu. Mặc dù trước đây chị có thể đi bộ khoảng 30-45 phút và cảm thấy đầu óc tỉnh táo.

Tương tự, chị Huỳnh Thanh Thủy (30 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết gia đình chị vừa có chuyến du lịch đến một tỉnh ở miền Trung và chị phải chịu những cơn đau đầu do trời lạnh.

"Nhiệt độ tại nơi tôi đi du lịch vào sáng sớm và buổi tối khá lạnh khiến tôi bị đau đầu nhiều. Buổi trưa trời nắng ấm thì các cơn đau đầu giảm hẳn", chị Thủy chia sẻ.

Vì sao dễ bị đau đầu khi trời lạnh - Ảnh 1.

Người dân mặc áo khoác ra đường trong thời tiết se lạnh vào buổi sáng

LÊ CẦM

Các nguyên nhân gây đau đầu trong trời lạnh

Ngày 30.11, bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Duy Khoa, khoa Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều người bị đau đầu vì các lý do như nhiệt độ lạnh sẽ kích thích vào các thụ thể cảm giác ở vùng đầu, mặt, xoang. Trường hợp này chỉ cần làm ấm sẽ hết đau. Ví dụ như khi ta uống nước đá lạnh cũng sẽ có cảm giác đau buốt óc.

Lý do thứ hai theo bác sĩ Khoa, thời tiết chuyển lạnh khiến chúng ta tăng nguy cơ ta mắc các bệnh cảm sốt. Và chính cảm sốt khiến chúng ta đau đầu, nhức mỏi toàn thân, chảy mũi,..

"Một số loại đau đầu nguyên phát, như đau đầu migraine (đau nửa đầu), đau đầu căng cơ, có thể khởi phát cơn đau khi thay đổi thời tiết. Đặc điểm của các loại đau đầu này là tái đi tái lại nhưng thường có cùng đặc điểm, kiểu đau, không thay đổi tính chất", bác sĩ Khoa chia sẻ.

Ngoài ra, theo bác sĩ Khoa thời tiết lạnh cũng ảnh hưởng gián tiếp làm tăng các nguy cơ gây đột quỵ. Thời tiết lạnh sẽ làm co mạch dẫn đến tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định. Khi trời lạnh sẽ làm thay đổi thói quen ăn uống, vận động và sinh hoạt, dẫn đến các yếu tố nguy cơ mạch máu khó kiểm soát hơn. 

Thời tiết lạnh làm ta ít có cảm giác khát, ít uống nước hơn dẫn đến cô đặc máu và dễ tạo cục máu đông.

Vì sao dễ bị đau đầu khi trời lạnh - Ảnh 1.

Nhiệt độ lạnh sẽ kích thích vào các thụ thể cảm giác ở vùng đầu, mặt, xoang gây nên các cơn đau đầu

SHUTTERSTOCK

Những cách giữ gìn sức khỏe khi trời lạnh

"Để giữ gìn sức khỏe trong mùa lạnh, chúng ta có thể giữ ấm cơ thể khi ra ngoài, tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, duy trì thói quen vận động, tránh các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống bia rượu. Duy trì việc uống thuốc đều đặn (nếu có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường,...) và kiểm tra sức khỏe định kỳ", bác sĩ Khoa chia sẻ.

Bác sĩ Bùi Huy Cận, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết khi thời tiết lạnh, mỗi người cần có chế độ nghỉ ngơi điều độ, bổ sung nước đúng cách, ăn uống thức ăn ấm nóng.

Mặc dù trong mùa lạnh cảm giác khát nước sẽ ít hơn nhưng cơ thể vẫn cần được cung cấp một lượng nước cần thiết để đảm bảo cho quá trình trao đổi chất. Lượng nước cần cho cơ thể khoảng 1,5 đến 2 lít.

Vì sao dễ bị đau đầu khi trời lạnh - Ảnh 3.

Các hoạt động thể chất trong mùa đông nên duy trì ở mức nhẹ nhàng vừa phải

LÊ CẦM

Trong thời tiết lạnh, người dân cũng nên hạn chế ăn các loại đồ sống, thức uống lạnh mà thay bằng các loại trà ấm nóng, các thức ăn ấm, mềm như cháo, súp vào buổi sáng. 

Việc tập luyện cũng nên duy trì ở mức độ nhẹ nhàng vừa phải, tránh tập quá nặng ra quá nhiều mồ hôi gây ảnh hưởng sức khỏe. 

"Ngoài ra, trước khi đi ngủ nên xoa bóp, ngâm chân với nước ấm kết hợp massage để máu huyết lưu thông", bác sĩ Huy Cận khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.