Sự bất thường này khiến căn nhà Đại đoàn kết đã bị cưỡng chế đập bỏ để thi hành án bản án liên đới đến con dâu của cụ Ở.
Xôn xao vì vụ cưỡng chế căn nhà Đại đoàn kết của cụ bà 93 tuổi |
Chính quyền địa phương “không thể không biết”
Năm 2010, cụ Ở và con trai (ông Bùi Xuân Thích, 57 tuổi, bị liệt 2 chân) được UBND H.Ninh Hải phê duyệt hỗ trợ kinh phí để xây nhà Đại đoàn kết theo Quyết định 167/2008 của Thủ tướng Chính phủ. UBND xã Tân Hải (H.Ninh Hải) đã tổ chức xác minh, xây nhà cho cụ Ở trên diện tích 80 m2 đất đã nhận chuyển nhượng (bằng giấy tờ viết tay vào năm 2009) từ vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoàng Trang (con dâu cụ Ở) ở thôn Gò Thao, xã Tân Hải. Khi căn nhà hoàn thành, do gia đình neo đơn, đi lại khó khăn nên gia đình cụ Ở chưa đến các cơ quan chức năng để đăng ký quyền sử dụng đất ở.
Căn nhà Đại đoàn kết của cụ Ở đã bị đập bỏ |
THIỆN NHÂN |
Thế nhưng vào năm 2012, UBND H.Ninh Hải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) cho bà Trang với diện tích 216 m2 (trong đó bao gồm diện tích 80 m2 đã sang nhượng cho cụ Ở). Sổ đỏ đứng tên vợ chồng bà Trang, nhưng không thể hiện trên phần đất đó đang có căn nhà Đại đoàn kết. Mãi đến thời điểm năm 2019, khi Thi hành án dân sự (THADS) H.Ninh Hải thi hành Bản án số 35/2015/DS-ST ngày 24.9.2015 của TAND H.Ninh Hải (mà bà Trang có trách nhiệm phải trả một khoản nợ cho một người khác), đã cưỡng chế đập bỏ căn nhà cụ Ở và con là ông Thích đang trú ngụ.
Vì sao lại có sự bất thường này? Theo báo cáo của UBND xã Tân Hải, trước khi cấp sổ đỏ cho bà Trang, UBND xã và các cơ quan chuyên môn đã thực hiện niêm yết hồ sơ công khai tại UBND xã Tân Hải từ ngày 11 - 26.7.2012 (gồm có 15 trường hợp, trong đó có diện tích đất 216 m2 của hộ bà Trang). Ngày 13.7.2012, UBND xã Tân Hải có Tờ trình số 87/TTr-UBND về việc cấp cho 15 hộ theo danh sách niêm yết công khai, vì: xác định không có trường hợp tranh chấp, đất ổn định, sử dụng đúng mục đích... Báo cáo của UBND xã Tân Hải không đề cập đến việc để “lọt” căn nhà Đại đoàn kết của cụ Ở.
Có một chi tiết quan trọng, là trước khi xây nhà Đại đoàn kết cho cụ Ở vào năm 2010, UBND xã Tân Hải xác nhận cụ Ở có đất hợp pháp và đề xuất các ngành chức năng H.Ninh Hải để được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết. Như vậy, 2 năm sau đó, khi cấp sổ đỏ cho bà Trang, chính quyền địa phương không thể không biết căn nhà Đại đoàn kết của cụ Ở đã được xây trên phần diện tích 80 m2 (đã nhận sang nhượng trong tổng 216 m2 của bà Trang).
Về sự bất thường trên, sáng qua 7.5, PV liên lạc qua điện thoại với ông Trần Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Tân Hải. Ông cho biết thời điểm năm 2012, khi bà Trang nộp đơn xin cấp sổ đỏ thì ông đang phụ trách công an xã nên không nắm rõ vụ việc.
Trong khi đó, đại diện Sở TN-MT tỉnh Ninh Thuận cho biết, về nguyên tắc, khi cấp sổ đỏ cho người đăng ký thì phải có chính quyền địa phương xác nhận (về nguồn gốc đất, tài sản trên đất), chữ ký những người giáp ranh… Việc UBND H.Ninh Hải cấp sổ đỏ cho bà Trang chồng lên diện tích cụ Ở (và để “lọt” căn nhà Đại đoàn kết) đã được xây dựng căn nhà Đại đoàn kết, có thể là “lỗi từ cơ sở”.
Cùng ngày 7.5, PV Thanh Niên liên lạc được với bà Trang (đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM), thì bà này khẳng định, vào năm 2009 bà có sang nhượng (viết giấy tay) cho cụ Ở 80 m2 đất. Sau đó, địa phương xác nhận cụ Ở có đất hợp pháp, mới phê duyệt cho cụ Ở được hưởng chính sách xây dựng nhà Đại đoàn kết. Về việc làm sổ đỏ (mà gộp luôn diện tích 80 m2 đã bán cho cụ Ở), bà Trang giải thích “vì là mẹ con nên khi đi làm thủ tục có nói cán bộ địa chính xã là gộp luôn diện tích đã sang nhượng cho cụ Ở thành một thửa và được cán bộ địa chính đồng ý”.
Đi tìm hồi kết cho vụ cưỡng chế nhà Đại đoàn kết của cụ bà 93 tuổi |
Gia đình cụ Ở khiếu nại lên Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận
Liên quan đến việc cưỡng chế đập bỏ căn nhà Đại đoàn kết của cụ Châu Thị Ở (Thanh Niên ngày 4.5 phản ảnh), người nhà cụ Ở cho biết đã có đơn khiếu nại gửi Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận trình bày vụ việc THADS H.Ninh Hải cưỡng chế nhà không đúng quy định pháp luật.
Do tuổi cao sức yếu nên cụ Ở đã ủy quyền cho ông Đặng Thân (57 tuổi, ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm) thay mặt cụ để xử lý vụ việc. Đơn khiếu nại của cụ Ở trình bày: “Bà Nguyễn Thị Hoàng Trang là vợ của ông Bùi Xuân Thử (con trai cụ Ở). Do bà Trang có nợ một người ở địa phương 200 triệu đồng, đến hạn nhưng không trả nên người này kiện bà Trang ra tòa. Ngày 24.9.2015, TAND H.Ninh Hải xét xử, tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn. Ông Thử không liên quan đến việc vợ nợ tiền và cũng không liên quan đến bản án này. Tuy nhiên, Chi cục THADS H.Ninh Hải đã bất chấp pháp luật, đẩy con tôi ra ngoài đường để cưỡng chế lấy căn nhà là tài sản chung của vợ chồng ông Thử và bà Trang…, khiến cho con trai tôi ngày càng sa sút, đột quỵ mà chết. Bản thân tôi đã già, ở cùng con trai là Bùi Xuân Thích bị liệt 2 chân, được nhà nước hỗ trợ xây dựng cho ngôi nhà Đại đoàn kết, ấy thế mà Chi cục THADS cưỡng chế nhà, đẩy mẹ con tôi ra khỏi nhà, trong khi mẹ con tôi không liên quan gì nợ nần và bản án của tòa án đã tuyên”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 1.9.2021, Cục THADS Ninh Thuận có Báo cáo số 955/BC-CTHADS về quá trình tổ chức thi hành án dân sự bà Nguyễn Thị Hoàng Trang và kết quả giải quyết đơn kêu cứu của bà Châu Thị Ở gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận, Ban Nội chính tỉnh Ninh Thuận cùng các ngành liên quan. Cục THADS Ninh Thuận cho rằng chấp hành viên của Chi cục THADS H.Ninh Hải thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản vợ chồng bà Trang (trong đó có căn nhà Đại đoàn kết của bà Ở - PV) là “đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, ông Đặng Thân cho rằng, Chi cục THADS H.Ninh Hải không thể thu hồi cả khối tài sản chung này để đẩy ông Thử và 3 đứa con ra đường, không nơi nương tựa. Hơn nữa, Chi cục THADS H.Ninh Hải không có giấy tờ gì chứng minh đã tiếp xúc với ông Thử, và cũng chưa thấy mời ông Thử đến làm việc tại UBND xã Tân Hải (là nơi gần nhất khi tiếp xúc với ông Thử); ông Thử chưa nhận được thông báo nào của cơ quan THA để yêu cầu chia tài sản chung.
Theo luật sư Lê Vi (Đoàn luật sư TP.HCM), tại khoản 1, điều 74 luật THADS quy định về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung: “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án, thì chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung, hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Do vậy, theo luật sư Vi, việc ông Bùi Xuân Thử chưa nhận được thông báo của cơ quan thi hành án để yêu cầu chia tài sản chung, thì cơ quan thi hành án không được quyền tự phân chia tài sản.
Bình luận (0)