Vì sao đề nghị bỏ chế độ 'viên chức suốt đời'?

18/04/2019 06:28 GMT+7

Đề xuất bỏ chế độ viên chức suốt đời nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng 'có vào, không có ra trong đội ngũ viên chức hiện nay.

Sáng 17.4, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức được đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xóa cái hiện hữu chứ ai xóa cái không còn?

Trình dự án luật trên tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết dự thảo đã bổ sung vào khoản 5 điều 84 của luật Cán bộ, công chức về quy định xử lý đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo hoặc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Cho ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc cho chuẩn để giải đáp thắc mắc của dư luận thời gian qua. “Thứ nhất, chúng ta xóa là xóa cái đang tồn tại, hiện hữu chứ không thể xóa cái không còn”, bà Nga nhận xét và nói thêm: “Chúng tôi đề nghị cần tìm khái niệm để chỉ rõ ra là xóa những quyền lợi về mặt tinh thần, về mặt vật chất mà người đó được hưởng bắt nguồn từ chức vụ của người đó trước khi nghỉ hưu”.
Cũng ủng hộ đề xuất xử lý kỷ luật đối với cán bộ nghỉ hưu nếu phát hiện vi phạm, song Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (QH) Nguyễn Văn Giàu đề nghị nên có giới hạn hồi tố để hồi tố 3 hay 5 năm, chứ không nên mở vô thời hạn. Tương tự, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tâm trạng của cán bộ nghỉ hưu đang chờ xem luật lần này quy định thế nào. “Về hưu 10 năm rồi mà nay lôi ra thì mệt mỏi lắm, nghỉ hưu không yên, tâm trạng cũng không vui, lúc nào cũng lo lắng”, ông Phúc nói và đề nghị phải luật hóa quy định này cho rõ ràng.

Khắc phục tình trạng “có vào, không có ra”

Một điểm mới nữa của dự thảo mà Chính phủ trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH lần này là đề nghị bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “có vào, không có ra”, tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức hiện nay.
Cụ thể, với phương án Chính phủ đưa ra, từ sau 2020 (khi luật có hiệu lực) sẽ không thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới, kể cả trường hợp hết thời hạn lần thứ 2 (theo quy định hiện hành là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn). Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra phương án 2 giữ quy định như hiện hành, đồng thời bổ sung quy định, đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trình bày tại phiên họp cho biết, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành phương án bỏ chế độ hợp đồng không thời hạn. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ, phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày dự thảo luật này có hiệu lực. Đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này của bộ luật Lao động theo hướng mở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật vì theo điều 22 của bộ luật Lao động thì không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần.
Thảo luận sau đó, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH cũng đồng tình với phương án bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức, chuyển sang chế độ hợp đồng có thời hạn. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng QH Phan Thanh Bình cho rằng cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động của chính sách này khi mọi người cứ 3 năm lại ký hợp đồng, suốt cuộc đời viên chức là 3 năm, trong khi bộ luật Lao động vẫn có hợp đồng không thời hạn, thậm chí một số nước cũng vẫn có chế độ này.
Bỏ hình thức kỷ luật giáng chức?
Dự thảo luật cũng đề nghị bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ, công chức trong luật cũ, đồng thời nâng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức từ 24 tháng theo quy định hiện hành lên 60 tháng.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng như nhiều ý kiến sau đó cho rằng, về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, nên đề nghị tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật này.
Về thời hiệu xử lý kỷ luật, Ủy ban Pháp luật tán thành việc kéo dài thời hiệu, song đề nghị có thể kéo dài thời hiệu theo hướng quy định thành các loại thời hiệu khác nhau cho các trường hợp khác nhau, phù hợp với tính chất của từng nhóm hành vi vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.