Vì sao doanh nghiệp công nghệ hướng tới ‘make in Vietnam’ ?

06/05/2019 17:33 GMT+7

Thay vì mục tiêu "Made in Vietnam" trước kia, doanh nghiệp công nghệ số hiện đang nỗ lực “Make in Việt Nam” trong sản xuất, thiết kế sản phẩm công nghệ.

Chiều 6.5, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức họp báo giới thiệu Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, được tổ chức vào ngày 9.5 tại Hà Nội với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phan Tâm cho biết, diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.
Diễn đàn là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của xã hội để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Đặc biệt, tại diễn đàn lần này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ nêu cao khẩu hiệu "Make in Vietnam".
Lý giải về sự chuyển đổi từ "Made in Vietnam" thành "Make in Vietnam", bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông), cho biết thay vì sự bị động trong "Made in Vietnam", "Make in Vietnam" thể hiện sự chủ động của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong sản xuất, thiết kế sản phẩm công nghệ, thể hiện khao khát của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ.
Theo số liệu của Bộ Thông tin - Truyền thông, năm 2018, Việt Nam có hơn 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Nếu không tính các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, số lượng doanh nghiệp ICT là trên 30.000 doanh nghiệp. Doanh thu ngành ICT năm 2018 đạt 98,9 tỉ USD, tăng trưởng 8% so với trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.