Tôi hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành đào tạo nghề tại ĐH Chemnitz, CHLB Đức. Từ năm 2016, tôi đã tập trung nghiên cứu về đề tài tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Sau khi đọc bài Hợp tác đào tạo theo kiểu "ban ơn“ trên Thanh Niên Online ngày 1.10.2019 của tác giả Quý Hiên và bài viết Vì sao chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam chỉ trên Campuchia và Myanmar? của tác giả Mỹ Quyên ngày 15.10 thấy thật ra, việc hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường phải là một mối quan hệ có qua có lại, thì mới có thể vững bền và mỗi bên đều thấy trách nhiệm, quyền lợi của mình.
Vì sao doanh nghiệp miễn cưỡng nhận sinh viên thực tập?
20/10/2019 16:47 GMT+7
Việc hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường phải là một mối quan hệ có qua có lại thì mới có thể vững bền và mỗi bên đều thấy trách nhiệm, quyền lợi của mình
Tôi từng trò chuyện vớ giám đốc một công ty khuôn mẫu, nơi mà tôi đi thực tế. Vị giám đốc đã nói thẳng "chúng tôi là doanh nghiệp, máy móc của chúng tôi đầu tư vào là để sản xuất và. Chúng tôi thực sự chỉ muốn nhận sinh viên thực tập khi có nhu cầu mở rộng sản xuất hoặc vừa nhập thêm máy móc mới“.
Thêm vào đó, sinh viên muốn thực tập ở công ty phải trải qua phỏng vấn để kiểm tra lý thuyết nghề và giúp công ty chắc chắn rằng những sinh viên họ nhận vào đã nắm được những lý thuyết cơ bản cần thiết, có khả năng để nắm bắt công việc trên thực tế. Tuy nhiên, vị giám đốc này tỏ ý lo ngại về chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ.
Một thực tế khác, đó là nhà trường luôn tìm cách gửi sinh viên đi thực tập nhưng lại ít quan tâm đến chuẩn đầu ra của đợt thực tập. Chính vì vậy, mới có tình trạng sinh viên thực tập trong các nhà máy chỉ được đứng xem các hoạt động sản xuất và chỉ được giao thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như vệ sinh máy, đi nhận các phôi liệu từ kho đem về vị trí sản xuất.
Phải "cầu xin" doanh nghiệp khi nhà trường muốn gửi sinh viên vào thực tập như bài báo phản ảnh là vô cùng chính xác. Nhưng tại sao doanh nghiệp lại không mặn mà với việc nhận sinh viên thực tập trong khi đây được coi là lao động "giá rẻ" ở các nước công nghiệp?
Khi tôi đặt câu hỏi này, vị giám đốc công ty khuôn mẫu đã trả lời rất thẳng thắn: "Chúng tôi thật sự không biết làm gì với những sinh viên mà chúng tôi nhận vào bởi vì nhà trường chỉ đơn thuần gửi họ đến. Chúng tôi cũng không biết là những sinh viên đó đã học những gì, và làm được gì ?“.
Sự thật là có sự khác biệt rất lớn giữa những gì sinh viên đã học trong trường và những gì thật sự đang áp dụng ở tại các doanh nghiệp. Tôi lấy một ví dụ đơn giản về môn học vẽ kỹ thuật. Bản vẽ mà sinh viên được học trong trường rất đơn giản nhưng bản vẽ mà sinh viên phải đọc và xử lý trong thực tế tại các doanh nghiệp đôi khi phức tạp hơn rất nhiều. Và như vậy, sinh viên không thể đọc hiểu được bản vẽ thì làm sao có thể được giao các bước tiếp theo, như vận hành máy gia công tự động CNC? Thực tế là không một công ty nào dám giao cho sinh viên thực tập đứng máy vì sinh viên chưa sẵn sàng để đứng máy một mình.
Như vậy, về phía nhà trường, nếu muốn doanh nghiệp sẵn sàng nhận sinh viên của mình vào thực tập thì nên trang bị cho họ thật chắc chắn những kỹ năng cần thiết của nghề nghiệp.
Đào tạo kép là từ công ty đến trường là một mô hình cần tham khảo. Điều đó có nghĩa học sinh trước tiên phải có hợp đồng đào tạo hoặc hợp đồng lao động tại doanh nghiệp sau đó họ sẽ đăng ký vào học tại các trường nghề, nơi họ sẽ được học lý thuyết về nghề mà họ đang tham gia tại doanh nghiệp. Khi tham quan các trường dạy nghề ở Đức, các bạn sẽ thấy sinh viên trong một lớp học mặc rất nhiều đồng phục của các công ty khác nhau. Trong khi đó tại Việt Nam, con đường đến với một nghề nghiệp nào đó là hoàn toàn ngược lại. Thậm chí, nếu doanh nghiệp gửi người lao động đến các trường nghề thì doanh nghiệp phải trả tiền đào tạo theo quy định.
Nói một cách khác, kỹ năng nghề của học sinh hoặc sinh viên trường nghề cần được trui rèn qua thực tế. Nhưng hiện tại, đã có bao nhiêu công ty "dám can đảm“ nhận sinh viên thực tập nếu chưa hiểu rõ các em có thể làm được gì.
Hãy cùng doanh nghiệp phân tích nghề nhằm xác định những kiến thức nền tảng trong mối quan hệ với những kỹ năng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Hãy cùng nhau ngồi lại để phát triển chương trình đào tạo cho ngành nghề đang có nhu cầu, trong đó, xác định rõ vai trò của từng bên trong việc thực hiện chương trình đào tạo. Tiếp đến, người học sẽ được tiếp nhận vào thực tập tại những doanh nghiệp nằm trong chương trình hợp tác. Hãy khuyến khích giáo viên dạy nghề bám sát thực tế sản xuất để đổi mới giáo trình giảng dạy. Thực tế đã chỉ ra rằng, những trường nghề nào làm tốt công tác này, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn rất nhiều. Hãy để doanh nghiệp được cùng đánh giá chất lượng học sinh – sinh viên của mình và tiếp thu liên tục các phản hồi của người sử dụng lao động nhằm giúp nhà trường có những điều chỉnh phù hợp cho chương trình đào tạo.
Từ đó, doanh nghiệp sẽ xem việc nhận sinh viên vào thực tập như là một động lực để tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cho chính bản thân mình cũng như đóng góp của doanh nghiệp cho xã hội.
Bình luận (0)