Vì sao doanh nghiệp nhập khẩu rác bị khởi tố?

30/08/2018 16:20 GMT+7

Cơ quan chức năng xác định Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt đã sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu giả, để nhập khẩu lô phế liệu trị giá hơn 35,5 tỉ đồng.

Liên quan đến việc 3 lãnh đạo doanh nghiệp vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, theo Điều 189 - Bộ luật Hình sự năm 2015, nguồn tin Thanh Niên cho biết, 1 trong 3 lãnh đạo doanh nghiệp này là ông Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt (có địa chỉ ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới của ông Nguyễn Đức Trường được xác định như sau: Từ 21.7.2017 - 22.11.2017, Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1094/GCN-STNMT ngày 14.9.2015, và các văn bản thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan để nhập khẩu qua cảng Sài Gòn Khu vực 1, Khu vực 3 - TP.HCM và cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 635 tờ khai, với tổng khối lượng là 13.046,252 kg, tổng trị giá theo khai báo 35.5 tỉ đồng.
Ngày 17.7.2018, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu trái phép, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục phát hiện hành vi làm giả giấy tờ tài liệu để nhập khẩu phế liệu trái phép của doanh nghiệp tư nhân Trường Thịnh, do ông Nguyễn Văn Sơn làm Giám đốc.
Doanh nghiệp này cũng có địa chỉ tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đến nay, cả ông Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Đức Trường đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.
Hiện, Tổng cục Hải quan cho biết đang chủ trì triển khai kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu”, tổ chức điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ 1.2016 - 5.2018, và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;
Đồng thời, tập trung đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm như: làm giả giấy xác nhận khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu; làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền; làm giả, sửa chữa giấy xác nhận ký quỹ nhập khẩu phế liệu; cung cấp văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu không hợp lệ (làm giả hoặc pháp nhân cung cấp văn bản chứng nhận không có chức năng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.