Vì sao Donetsk và Luhansk là tâm điểm trong khủng hoảng quan hệ Ukraine-Nga?

22/02/2022 08:30 GMT+7

Vào giữa tháng 2.2022, khi khoảng 130.000 quân Nga đang tập trung gần biên giới với Ukraine, Hạ viện Nga đã bỏ phiếu yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở vùng đông nam Ukraine là các quốc gia độc lập.

DonetskLuhansk là một phần của khu vực Donbass. Nơi đây phần lớn dân số là người nói tiếng Nga, và đang nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng đòi ly khai kiểm soát kể từ năm 2014.

Xung đột quân sự tại đây bắt nguồn từ “cách mạng Maidan” vào tháng 2.2014. Phong trào phản đối này đã lật đổ Tổng thống dân cử khi đó là Viktor Yanukovych, buộc ông phải rời Kiev sang Nga tị nạn.

Phong trào biểu tình "Euromaidan" tại Ukraine vào năm 2014.

ẢNH: THENATION

Chưa đầy một tuần sau, những người đàn ông có vũ trang trong quân phục màu xanh lá cây không phù hiệu đã chiếm giữ nhà quốc hội Crimea, cắt đứt Crimea ra khỏi Ukraine.

Một cuộc trưng cầu được tổ chức ở Crimea vào tháng 3.2014 có kết quả là 97% cư dân tại đây đồng ý để Crimea tái thống nhất với Nga.

Xung đột sau đó nhanh chóng bùng phát ở miền đông Ukraine. Một mạng lưới các nhóm dân quân không cóphối hợp chặt chẽ đã chiếm giữ các toà nhà chính phủ trên khắp Donetsk và Luhansk trong tháng 4.2014.

Thành viên của nhóm này hầu hết là những người dân địa phương và người ủng hộ đến từ những vùng khác ở Ukraine.

Sau khi chiếm giữ được những cơ quan quan trọng, họ đã tuyên bố độc lập vào tháng 5.2014 và tự xưng là Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk.

Cả hai khu vực này cùng tự gọi nhau là “Novorossiya” (Nước Nga mới). Đây là từ được đế quốc Nga dùng để chỉ lãnh thổ miền nam Ukraine sau khi chinh phục hồi thế kỷ 18.

Ukraine đã tiến hành nhiều đợt tấn công nhằm chiếm lại quyền kiểm soát khu vực này nhưng không thành công.

Thỏa thuận hoà bình Minsk 1 được nhanh chóng ký kết giữa Ukraine, Nga và phe ly khai đã ngăn chặn một cuộc chiến ác liệt hơn có thể diễn ra, nhưng thỏa thuận này sớm đổ vỡ.

Đến tháng 1.2015, giao tranh toàn diện lại tiếp tục nổ ra.

Thủ tướng ĐứcTổng thống Pháp khi đó, bà Angela Merkel và ông Francois Hollande, đã can thiệp để khôi phục lệnh ngừng bắn, và làm trung gian cho vòng hòa giải mới với tên gọi Minsk 2.

Thoả thuận Minsk 2 được ký kết vào năm 2015 trong một nỗ lực nhằm ngăn cản cuộc xung đột tại Ukraine leo thang.

ẢNH: THE MOSCOW TIMES

Sau thỏa thuận này, khu vực rộng lớn vùng Donbass vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của quân ly khai.

Bất chấp sự hiện diện của các quan sát viên nước ngoài để theo dõi lệnh ngừng bắn, khu vực này vẫn chưa bao giờ được yên tĩnh.

Kể từ khi giao tranh xảy ra 14.000 người đã thiệt mạng.

Theo các thỏa thuận Minsk, Ukraine sẽ tái tiếp quản khu vực Donetsk và Luhansk nhưng sẽ trao cho hai khu vực này “tư cách đặc biệt”.

Tuy nhiên, “tư cách đặc biệt” này là gì thì chưa được xác định.

Đối với Nga, các thoả thuận Minsk nếu được thực thi và Donetsk va Luhansk trở thành các vùng tự trị, khả năng Ukraine chuyển hướng sang phương Tây sẽ giảm đi rất nhiều.

Cần lưu ý rằng Nga đã cấp hàng nghìn hộ chiếu Nga cho cư dân vùng Donbass, nhiều người trong đó đã đi bỏ phiếu hồi năm ngoái để bầu cử Quốc hội Nga.

Ở chiều ngược lại, đối với Ukraine các thỏa thuận Minsk có thể bị xem như là một liều thuốc độc mà nước này không muốn nuốt kể từ năm 2015.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 15.2, Tổng thống Putin đã không tỏ ra hào hứng về việc công nhận hai nước cộng hòa tự xưng này, thay vào đó ông nói rằng các cuộc đàm phán để thực hiện thỏa thuận Minsk vẫn còn một chặng đường ở phía trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.