Số người chết trong vụ động đất ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 9.600 người và vẫn chưa dừng lại. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến đợt thiên tai kinh hoàng lần này là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố.
Yếu tố địa chất
Tâm chấn của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lần này nằm cách thành phố Nurdagi (Thổ Nhĩ Kỳ) khoảng 26 km về phía đông và có độ sâu khoảng 18 km trên đứt gãy Đông Anatolian. Đây là nơi gặp nhau của hai mảng kiến tạo khổng lồ là mảng Ả Rập và mảng Á-Âu, theo Reuters.
Vì sao trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria gây thương vong, thiệt hại nghiêm trọng?
Đứt gãy Đông Anatolia là một đứt gãy trượt ngang, nơi hai đĩa kiến tạo trượt qua nhau theo phương nằm ngang. Các mảng kiến tạo của trái đất chà xát với nhau tại các đứt gãy. Khi đủ lực căng, chúng sẽ tác động mạnh lên nhau và giải phóng lượng lớn năng lượng, gây ra động đất.
Trong khoảng từ năm 2013 đến 2022, chỉ có hai trận động đất có cùng cường độ với trận ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6.2. So với trận động đất 6,2 độ Richter ở miền trung nước Ý năm 2016 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300 người, trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria giải phóng năng lượng gấp 250 lần, theo bà Joanna Faure Walker, người đứng đầu Viện Giảm thiểu rủi ro và thiên tai thuộc Đại học College London (Anh). Theo tờ La Repubblica (Ý), mức năng lượng này tương đương 32 quả bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Đau lòng ngóng tin thân nhân, cứu hộ vừa chậm vừa thiếu
11 phút sau trận động đất đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hứng chịu dư chấn mạnh 6,7 độ Richter. Trong vài giờ sau, khu vực tiếp tục hứng chịu 2 trận động đất khác, lần lượt mạnh 7,5 độ Richter và 6 độ Richter. Ông Roger Musson, cộng tác viên tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh cho biết: "Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là động đất đang lan sang các đứt gãy lân cận. Chúng tôi cho rằng địa chấn sẽ tiếp tục trong một thời gian".
Thời gian và thời tiết
Một số yếu tố khác đã góp phần làm tăng quy mô tàn phá của trận động đất, trong đó bao gồm thời gian xảy ra. Động đất lần này bắt đầu vào sáng sớm, thời điểm nhiều người vẫn đang ngủ nên không thể sơ tán kịp, khiến họ mắc kẹt dưới đống đổ nát, theo đài CNN.
Thời tiết lạnh và ẩm ướt cũng khiến nỗ lực cứu hộ ở cả hai bên biên giới gặp nhiều khó khăn. Một vùng áp thấp hiện đang bao trùm Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Theo chuyên gia khí tượng học Britley Ritz của CNN, áp thấp sẽ mang "không khí lạnh hơn đáng kể" đến khu vực động đất.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết các điều kiện thời tiết và khí hậu đã gây khó khăn cho các nhóm cứu trợ khi tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng. Các trực thăng cứu hộ cũng không thể cất cánh do thời tiết xấu. Hiện các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kêu gọi cư dân rời khỏi các tòa nhà để đảm bảo an toàn trước nguy cơ xuất hiện thêm dư chấn.
Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo
Với quá nhiều thiệt hại ở cả hai quốc gia, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng xây dựng.
Trả lời CNN, ông Kishor Jaiswal, kỹ sư về kết cấu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua nhiều trận động đất nghiêm trọng trong quá khứ, bao gồm trận năm 1999 tấn công khu vực tây nam nước này và khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.
Ông Jaiswal cho biết nhiều khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ đã được phân loại là khu vực có nguy cơ địa chấn rất cao. Do đó, theo các quy định về xây dựng trong khu vực, các dự án xây dựng phải có sức chống chịu để không sụp đổ nếu xảy ra động đất.
Tuy nhiên, theo ông Jaiswal, không phải tất cả tòa nhà đều được xây dựng theo tiêu chuẩn mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Những thiếu sót trong thiết kế và xây dựng, đặc biệt là ở các tòa nhà cũ, đã khiến chúng không đủ sức chống chịu trước áp lực lớn.
Ông Jaiswal cũng cảnh báo rằng nhiều tòa nhà còn lại có thể bị "suy yếu đáng kể" do hai trận động đất mạnh vừa qua. Ông dự báo vẫn còn khả năng xảy ra một cơn dư chấn đủ mạnh để phá hủy những công trình đã xuống cấp đó. Do đó, ông kêu gọi trong quá trình cứu hộ, mọi người cần hết sức cẩn thận khi tiếp cận những công trình yếu ớt này.
Bình luận (0)