Những năm gần đây, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp siết chặt công tác quản lý, nâng cao chất lượng việc sử dụng nguồn lực công đối với các dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán hàng năm cho thấy, tại nhiều dự án đầu tư xây dựng vẫn còn xảy ra các sai sót trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh toán, tạm ứng, quản lý tiến độ…
Theo bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN đều lựa chọn một số nhiệm vụ kiểm toán các dự án nhóm A, dự án quan trọng quốc gia...
Qua kiểm toán lĩnh vực này, KTNN đã chỉ ra các tồn tại hạn chế trong công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khâu thanh toán, quyết toán, trong đó có thể kể đến một số sai sót phổ biến. Kết quả kiểm toán thời gian qua trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.
*Vừa qua, tại một số dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu… Bà lý giải như thế nào về vấn đề này?
- Bà Hà Thị Mỹ Dung: Hoạt động kiểm toán là hoạt động chuyên môn có sự khác biệt với các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra khác.
Mục tiêu chính của các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện là xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), báo cáo quyết toán dự án hoàn thành... Đối tượng và phạm vi kiểm toán liên quan đến các hoạt động quản lý tài chính công, tài sản công của một đơn vị, một chương trình, dự án trong giai đoạn được lựa chọn kiểm toán; không phải là một vụ việc, một vấn đề cụ thể.
Đồng thời, phương pháp kiểm toán thường chỉ tập trung vào việc thực hiện các thủ tục kiểm toán theo quy trình kiểm toán của KTNN nhằm đạt được mục tiêu kiểm toán. Giới hạn kiểm toán được xác định từ khi lập kế hoạch kiểm toán tới phát hành báo cáo kiểm toán, trình bày các nội dung không kiểm toán với các nguyên nhân cụ thể.
Thực tế hoạt động kiểm toán trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn gắn liền với rủi ro kiểm toán. Các cuộc kiểm toán đều có hạn chế nhất định, do đó một cuộc kiểm toán có thể không bao giờ có sự đảm bảo tuyệt đối đưa ra được toàn bộ tình hình về nội dung được kiểm toán.
Hiệu quả hoạt động của KTNN chủ yếu tập trung ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện các sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công...
Trường hợp phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm, KTNN kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định. Thực tế thời gian vừa qua, KTNN đã chuyển nhiều hồ sơ, vụ việc đến các cơ quan để phục vụ cho hoạt động điều tra, giám sát…
Đối với lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng, KTNN thực hiện kiểm toán trên cơ sở hồ sơ tài liệu do chủ đầu tư, ban quản lý dự án cung cấp. Đối tượng kiểm toán là các hoạt động đầu tư xây dựng đã diễn ra (như hạng mục công trình đã nghiệm thu, sổ sách đã kiểm kê, hàng hóa đã được mua nhập kho, xuất kho sử dụng…).
Trường hợp các sai phạm được các đối tượng cấu kết thông đồng hợp thức hồ sơ, tạo lập hồ sơ trái pháp luật nhằm nghiệm thu công trình để thanh quyết toán thì rất khó để phát hiện qua kiểm toán.
Ngoài ra, với điều kiện hạn chế về thời gian (thời hạn của một cuộc kiểm toán thường không quá 60 ngày), cũng như việc kiểm toán viên nhà nước chưa được đào tạo về nghiệp vụ điều tra, cũng tạo nên những khó khăn nhất định đối với KTNN khi gặp trường hợp các đơn vị có liên quan thông đồng, cố tình gian lận.
*Rõ ràng để ngăn chặn, hạn chế các tồn tại, sai phạm xảy ra đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị quản lý dự án, mà còn cần sự nỗ lực của các cơ quan thanh tra, kiểm tra như KTNN. Theo bà, cần có các giải pháp cụ thể nào để ngăn chặn tiêu cực?
Về phía KTNN, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa và bổ sung đảm bảo hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng thời, tăng cường kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng quan trọng quốc gia, kiểm toán việc thực hiện các cơ chế đặc thù; KTNN tham gia ngay từ khâu xem xét quyết định chủ trương đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện, thanh, quyết toán.
KTNN cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức kiểm toán, đảm bảo chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ, phù hợp với từng loại hình kiểm toán; đặc biệt tăng cường đào tạo nghiệp vụ về điều tra, phỏng vấn.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, KTNN đề nghị các bộ, ngành và địa phương sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đã được KTNN chỉ ra còn tồn tại bất cập, mâu thuẫn để việc thực hiện được của các đơn vị được thông suốt.
Hạn chế tình trạng phải vận dụng văn bản quy phạm pháp luật trong thực tế đối với những trường hợp chưa được quy định rõ ràng. Đồng thời, các đơn vị cần kịp thời đôn đốc, kiểm tra, khắc phục những tồn tại đã được KTNN phát hiện và kiến nghị.
Riêng đối với việc hạn chế các sai phạm trong đấu thầu, tôi cho rằng, cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ liên quan đến công tác đấu thầu, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo lựa chọn được nhà thầu phù hợp nhất với gói thầu. Các đơn vị được quản lý về lĩnh vực đấu thầu tăng cường kiểm tra, giám sát vừa đảm bảo tính răn đe cũng như phát hiện sớm các trường hợp không đúng quy định để việc quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng được hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Cần phân định rõ giữa đầu tư công và đầu tư tư, trong đó, KTNN có chức năng, nhiệm vụ kiểm toán đối với việc quản lý tài chính công, tài sản công, bao gồm cả đầu tư công, đặc biệt là công tác đấu thầu trong đầu tư dự án.
Trong khuôn khổ giới hạn theo luật định, những phát hiện, kiến nghị của KTNN là rất đáng ghi nhận, vừa giúp cảnh báo, ngăn ngừa; cung cấp thông tin rất giá trị cho cơ quan chức năng thực hiện các bước tiếp theo nhằm làm rõ hơn sai phạm trong công tác đấu thầu. Điều này là rất quan trọng, bởi các hành vi phạm tội trong đấu thầu thường rất tinh vi, đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan, đặc biệt là phải có nghiệp vụ điều tra mới có thể đi đến tận cùng để làm sáng tỏ và xử lý theo quy định pháp luật.
PGS-TS Nguyễn Hồng Thái - Trường Đại học GTVT Hà Nội
Bình luận (0)