Thông tin nói trên được chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2024 do Báo Thanh Niên tổ chức diễn ra tại Trường tiểu học, THCS, THPT Sky-Line Hill, khu đô thị Hà My Đông A (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) sáng qua (3.3). Chương trình có sự phối hợp của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Quảng Nam, Hệ thống giáo dục Sky-Line với sự đồng hành của các trường ĐH, CĐ, trường nghề… Gần 4.000 học sinh (HS) khối 12 của 10 trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tham dự chương trình.
Chương trình được phát trực tiếp trên các nền tảng thanhnien.vn cùng các kênh của Báo Thanh Niên trên Facebook, YouTube và TikTok với sự hỗ trợ đường truyền internet tốc độ cao của VNPT Quảng Nam.
COI CHỪNG HỌC GIỎI VẪN RỚT ĐH
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, đưa ra những lưu ý thông tin mới về quy chế xét tuyển năm nay. Một trong số đó là quy định điểm sàn xét tuyển khối ngành y khoa và sư phạm. Ngoài điểm chuẩn, thí sinh (TS) cần phải lưu ý ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ trên học lực lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi trường có đề án tuyển sinh riêng và có những trường xét thêm tiêu chí phụ. "Năm ngoái, có những TS 27 điểm 3 môn, tức điểm cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển trường công bố nhưng vẫn không trúng tuyển vì không đạt điểm tiêu chí phụ. Vì vậy, có những em học giỏi vẫn rớt ĐH nếu không nắm vững quy chế", tiến sĩ Hải nói.
Không muốn rớt đại học, phải nhớ kỹ những lưu ý quan trọng này
Chia sẻ trong chương trình, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lưu ý một số điểm TS thường hiểu sai ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển cuối cùng. Thạc sĩ Quốc nêu ví dụ: "Hiện nay các trường ĐH và Bộ GD-ĐT đều thực hiện nhận hồ sơ xét tuyển theo hình thức trực tuyến. TS lưu ý thực hiện đầy đủ các thao tác. Năm nào các trường cũng ghi nhận thông tin có TS dù đủ điều kiện trúng tuyển nhưng khi kiểm tra hồ sơ tại trường không được công nhận trúng tuyển do những sai sót không đáng có trong quá trình đăng ký nên TS cần lưu ý thật kỹ các bước đăng ký để đảm bảo quyền lợi trúng tuyển".
Cũng theo thạc sĩ Quốc, TS xét tuyển khối ngành đào tạo giáo viên cần đặc biệt quan tâm tới ngưỡng nhận hồ sơ tối thiểu theo quy định. Chẳng hạn, 3 phương thức xét tuyển sớm của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đều yêu cầu TS có học lực giỏi lớp 12. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, TS không cần điều kiện học lực nhưng điểm thi 3 môn trong kỳ thi tốt nghiệp cần phải đạt ngưỡng Bộ GD-ĐT công bố. "Nếu không đạt ngưỡng này, TS sẽ không đủ điều kiện xét tuyển các ngành đào tạo sư phạm", thạc sĩ Quốc lưu ý thêm.
NHIỀU MỨC ĐIỂM KHỐI NGÀNH SỨC KHỎE
Trước câu hỏi của một HS Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Nam) về ngành dinh dưỡng và hộ sinh, PGS-TS Hoàng Bùi Bảo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế), cho biết theo dự báo nhân lực phục vụ ngành sức khỏe từ thứ 8 vượt lên thứ 2 trên toàn cầu sau dịch Covid-19. Năm nay, PGS Bảo cho biết trường tuyển 11 ngành trong đó có 4 ngành bác sĩ, 1 ngành dược học và 6 ngành cử nhân. Dinh dưỡng và hộ sinh là 2 ngành sinh viên ra trường nhận bằng cử nhân.
Thông tin thêm về việc đào tạo ngành cử nhân, PGS Bảo cho biết sinh viên học 4 năm, từ năm thứ nhất sinh viên bắt đầu thực hành lâm sàng tại các bệnh viện tại Huế. Quá trình thực hành này diễn ra suốt 4 năm để đảm bảo sinh viên ra trường có đủ năng lực làm việc trong vị trí cử nhân hộ sinh và cử nhân dinh dưỡng. Bộ Y tế quy định cho các bệnh viện về vị trí việc làm đang rất thiếu cử nhân dinh dưỡng và cử nhân hộ sinh. Ngoài bệnh viện, cử nhân dinh dưỡng cũng rất cần trong các hoạt động khác ngoài đời sống xã hội.
"Trường tuyển sinh chủ yếu thông qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, không xét tuyển bằng học bạ. Dù đào tạo khối ngành sức khỏe nhưng một số ngành của trường điểm chuẩn không cao, TS mạnh dạn đăng ký", PGS-TS Hoàng Bùi Bảo thông tin thêm.
Liên quan đến nhóm ngành này, thạc sĩ Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Đông Á, cũng cho biết trường có đào tạo các ngành về dược, dinh dưỡng, hộ sinh. Trường xét tuyển đồng thời các phương thức: xét học bạ, đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp THPT.
CÙNG MỘT NGÀNH, NHIỀU MỨC ĐIỂM KHÁC NHAU
Tiến sĩ Nguyễn Đức Quận, Phó ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, cho biết năm nay tuyển sinh gần 16.000 (tăng 900 chỉ tiêu so với năm 2023). Tùy theo đặc điểm từng trường thành viên, tỷ lệ chỉ tiêu cho các phương thức sẽ có sự khác biệt nhất định. Một số ngành tuyển sinh mới năm nay của các trường thành viên như: chuyên ngành vi điện tử thiết kế vi mạch, chuyên ngành tiếng Hàn truyền thông, công nghệ ô tô điện, chuyên ngành thiết kế mỹ thuật số, giáo dục mầm non, thương mại điện tử…
Tiến sĩ Quận lưu ý thêm: "Tuyển sinh riêng các trường sẽ có điều kiện nộp hồ sơ, trường đều quy thành một thang điểm nào đó để xét TS từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu. Ngoài ra, có những ngành cùng một trường nhưng điểm chuẩn có thể khác nhau tùy theo cơ sở đào tạo. Ví dụ, ngành ngôn ngữ Anh đào tạo tại Trường ĐH Ngoại ngữ và Phân hiệu tại Kon Tum có thể điểm chuẩn sẽ khác nhau tùy theo chỉ tiêu và số lượng hồ sơ nộp vào".
Trả lời câu hỏi của HS Nguyễn Thị Cẩm Tú (Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Quảng Nam), tiến sĩ Phạm Xuân Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế), cho biết năm nay trường có bổ sung thêm một phương thức tuyển sinh mới xét điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Liên quan đến ngành tuyển sinh, ngoài các ngành truyền thống, trường mở thêm 3 ngành mới đào tạo bằng tiếng Anh, sử dụng giáo trình nước ngoài (thay chương trình chất lượng cao trước đây). Cụ thể gồm: quản trị kinh doanh, kinh tế chuyên ngành kế hoạch đầu tư, kế toán.
Muốn thành "tấm gương" để con em đồng bào thấy được giá trị của con chữ
Nét "khác biệt" trong chương trình Tư vấn mùa thi Báo Thanh Niên tại Quảng Nam năm 2024 là có sự tham gia của hơn 150 HS miền núi.
Đến tham dự, các em có những chia sẻ về ước mơ của mình.
Zơrâm Thị Xu Xu (lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam) cho biết thông qua chương trình, em đã nắm được những thông tin quan trọng, điểm mới của kỳ thi năm nay. "Em là người con đồng bào dân tộc thiểu số, nhà đông anh chị em. Năm nay em dự định sẽ theo học Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Em muốn biến mình là một "tấm gương" để con em đồng bào thấy được giá trị của con chữ. Chỉ có học mới may mắn có cơ hội thoát nghèo", Zơrâm Thị Xu Xu tâm sự.
ALăng Thị Thanh Tuyền (lớp 12/1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam) cho hay năm nay em dự định theo học ngành ngôn ngữ Anh. "Em là người đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn nên việc tiếp cận ngôn ngữ là rất khó khăn. Khi đỗ ĐH, em sẽ cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để khi ra trường sẽ quay về truyền đạt lại kiến thức cho các em ở địa phương mình", Thanh Tuyền chia sẻ.
Thầy Tưởng Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam, cho hay các chuyên gia của chương trình Tư vấn mùa thi đã giải đáp rất cụ thể những thắc mắc của HS người đồng bào dân tộc thiểu số về điểm ưu tiên, hình thức xét tuyển... "Thông qua những giải đáp, thông tin mà thầy cô trong ban tư vấn cung cấp, các em HS người đồng bào dân tộc thiểu số đã có những lựa chọn cho mình trong tương lai. Chương trình rất thiết thực, ý nghĩa đối với các em", thầy Tùng nói.
Mạnh Cường - Huy Đạt
Bình luận (0)