Giảm gần một nửa
Theo số liệu của Cục Du lịch, tháng 6, Việt Nam đón 37.000 lượt khách Nhật, giảm 16% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, có 241.000 lượt khách Nhật Bản đến Việt Nam, giảm gần 50% so với con số 456.000 lượt khách của cùng kỳ 2019 - thời điểm trước đại dịch.
Nhật Bản luôn là một trong những thị trường khách quan trọng của du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 3 thị trường đóng góp số lượng khách lớn nhất, bên cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, danh sách các thị trường khách dẫn đầu của VN theo thống kê có Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Thái Lan. Thị trường Nhật Bản đã âm thầm rời khỏi top 5.
Các thị trường trong top 5 có sự tăng trưởng ấn tượng, vượt mức trước đại dịch (6 tháng đầu năm 2019) gồm Campuchia tăng 338%, Ấn Độ (236%), Lào (117%), Thái Lan (108%) và Singapore (hơn 107%). Các thị trường phục hồi về gần với mức 2019 có Mỹ (95%) và Australia (92%), Hàn Quốc (77%), Anh (79%), Đức (84%)... Riêng Trung Quốc chỉ bằng khoảng 22% so trước dịch do thị trường khách này chỉ mở cửa vào tháng 3 vừa qua.
Nhìn tổng thế, xu hướng du khách Nhật Bản ra nước ngoài giảm chung ở các điểm đến, không chỉ riêng Việt Nam. Dữ liệu của chính phủ Nhật cho biết, số người Nhật Bản rời khỏi đất nước đi du lịch trong tháng 3 vừa qua là 694.300 người, chỉ bằng 36,0% so với cùng kỳ năm 2019 - trước khi xảy ra đại dịch. Ngược lại, lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản đã phục hồi lên 65,8% so với mức năm 2019.
Đồng yen suy yếu, lạm phát, kinh tế khó khăn
Theo báo Nhật Nikkei Asia, khách Nhật Bản ra nước ngoài tăng gấp đôi trong mùa hè này, lên 1,2 triệu chuyến du lịch so với năm trước (thời điểm Nhật Bản còn áp dụng những hạn chế do đại dịch) nhưng thực tế chỉ bằng 40% so với năm 2019 do đồng yen yếu, du khách phải trả thêm chi phí.
Điều này trùng hợp với khảo sát được thực hiện bởi gã khổng lồ du lịch Nhật JTB. Theo đó, có nhiều lý do khiến rất ít người Nhật Bản lên lịch du lịch nước trong năm 2023, nhưng đồng yen yếu là nguyên nhân lớn nhất giữ chân họ ở nhà (22%).
Đồng yen Nhật đã nhanh chóng suy yếu so với đồng đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối, kéo dài từ năm ngoái đến nay. Vào tháng 10.2022, đồng yen giảm xuống còn 150,15 yen đổi một đô la. Đây là mức yếu nhất của đồng tiền Nhật Bản trong 24 năm, kể từ tháng 8.1998.
Tới tháng 6 năm 2023, tỷ giá là khoảng 140 yen đổi một đô la. Nghĩa là người Nhật đi du lịch nước ngoài cần phải đổi nhiều yen hơn để lấy một đô la. Bên cạnh đó, lạm phát cũng khiến các gia đình Nhật Bản thắt chặt chi tiêu và du lịch nước ngoài là mục bị cắt giảm sớm nhất.
Theo Nikkei Asia, du khách Nhật đi du lịch nội địa phải đối mặt với chi phí tăng cao hơn 10% so trước đại dịch. Khách Nhật hạn chế du lịch nước ngoài và ở lại du lịch trong nước nhiều hơn đã đẩy chi phí dịch vụ tăng lên. JTB dự báo, cao điểm hè 2023, có khoảng 72,5 triệu chuyến du lịch hè được người Nhật thực hiện, tăng 17% so với cùng thời điểm 2022 và tăng nhẹ so 2019.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty tư vấn Morning Consult cho thấy, hơn 35% người Nhật không có ý định đi du lịch năm 2023. Con số này vượt xa câu trả lời của những người được hỏi ở 15 quốc gia khác trong cuộc khảo sát.
Nhật Bản kêu gọi dân đi du lịch nước ngoài
Nhật Bản vừa kêu gọi người dân nước này thực hiện các chuyến đi tới 24 điểm đến nước ngoài, trong đó có Việt Nam, nhằm thúc đẩy ngành hàng không và du lịch phục hồi sau Covid-19.
Trong khi số lượng du khách đến Nhật Bản đã tăng đều đặn kể từ khi các hạn chế biên giới được nới lỏng vào năm ngoái, nhưng những lo ngại về dịch bệnh và đồng yen yếu đã khiến công dân Nhật Bản không muốn đi du lịch nước ngoài, theo Kyodo News.
Bình luận (0)