Khách du lịch ít
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (TP.HCM), cho biết từng làm tour khách đoàn Trung Quốc du lịch vào Việt Nam thời điểm trước dịch, nhưng sau dịch không đón một khách Trung Quốc nào, kể cả thời điểm nước này đã cho công dân du lịch nước ngoài vào đầu năm nay.
"Tôi đã kết nối lại với các đối tác Trung Quốc từng làm việc với nhau từ những năm trước dịch mới phát hiện mọi chuyện đã thay đổi. Nhiều công ty cho đến nay vẫn đóng cửa, không tiếp tục hoạt động. Các đối tác chia sẻ với tôi là nếu họ làm lại sẽ bắt đầu từ vạch xuất phát nên không tiếp tục. Trung Quốc đóng cửa quá lâu nên chủ các công ty du lịch đổi nghề, nhân sự cũng tứ tán", ông nói.
Theo Cục Du lịch quốc gia, tháng 7, Việt Nam đón 180.000 khách Trung Quốc, tăng 14% so tháng 6, tính chung 7 tháng, đón gần 738.000 khách từ thị trường này. Trong khi đó, vào tháng 7.2019 (thời điểm trước dịch để làm mốc so sánh), có khoảng 407.000 khách Trung Quốc tới Việt Nam, cộng dồn 7 tháng lên 2,9 triệu. Như vậy, có thể thấy, mức hồi phục của khách Trung Quốc ở điểm đến Việt Nam là thấp (khoảng 30%). Trong khi, nhiều thị trường khách quốc tế khác của Việt Nam đã trở lại gần như bình thường hoặc hơn so với trước dịch như Thái Lan, Singapore, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Anh, Đức....
Quan sát của người làm du lịch với thị trường khách tỉ dân, ông Thành cho rằng, trong thực tế, khách Trung Quốc đến Việt Nam thời gian qua đa phần là khách đến làm việc, làm ăn sau đại dịch, còn khách du lịch thuần túy chiếm tỷ lệ thấp. Lượng khách du lịch này chủ yếu vào Việt Nam qua các chuyến bay charter hoặc các đoàn qua cửa khẩu biên giới với hành trình ngắn ngày.
"Những đối tác còn hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng chưa nghĩ đến việc phục hồi thị trường outbound (đưa khách ra nước ngoài) và chỉ tập trung vào thị trường nội địa Trung Quốc. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sau đại dịch còn nhiều khó khăn nên cũng không thể hỗ trợ đối tác trong việc làm thị trường, bởi nếu chúng tôi mời họ qua khảo sát phải gánh chi phí, còn chia 50 - 50 đối tác cũng không thể đảm đương. Bản thân chúng tôi cũng khó khăn. Ngay cả khách Việt đi du lịch Trung Quốc cũng không bao nhiêu, các chuyến bay charter đến Phượng Hoàng Cổ Trấn... có rất ít khách, lý do một phần giá cao. Chẳng hạn, tour đi Thành Đô hiện có giá 18 - 19 triệu đồng/người, cao hơn trước dịch khoảng 6 triệu. Với giá này, khách chọn đến điểm đến phổ biến hơn. Nói chung, hai bên đều khó, vì cho đến nay, mọi thứ chưa trở về như cũ, cả hàng không và chi phí landtour (dịch vụ mặt đất) đều quá cao", ông Thành phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis Adventure, nhận định: "Đối với điểm đến Việt Nam, tôi cho rằng các dịch vụ tại điểm đến như khách sạn, nhà hàng, cơ sở mua sắm... dành riêng cho khách Trung Quốc đóng cửa gần như hoàn toàn sau đại dịch và đó là một trong những nguyên nhân khiến các công ty du lịch Trung Quốc chưa thể đưa khách qua".
Khách Trung Quốc đến Việt Nam chưa nhiều
Khách Trung Quốc đã đi đâu?
Không chỉ Việt Nam, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang thiếu hụt nặng nề nguồn khách từ Trung Quốc. Trong khi ảnh hưởng của khách Trung Quốc đối với khu vực là rất lớn. Doanh thu từ khách du lịch chiếm 5,7% tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia vào năm 2019 và khách du lịch Trung Quốc chiếm 17,8% doanh thu đó. Tương tự, 11,4% GDP của Thái Lan được tạo ra nhờ du lịch, với con số khổng lồ 28,1% là do chi tiêu của người Trung Quốc. Đại dịch đã làm gián đoạn xu hướng này, nhưng nhiều chính phủ và doanh nghiệp tin rằng đó chỉ là tạm thời. Điều đó hóa ra là sai. Vào năm 2021, khách du lịch Trung Quốc đã giảm xuống còn 8,5 triệu trên toàn cầu. Và sự phục hồi, cho đến nay, đã gây thất vọng. Lượng đặt tour du lịch hè của người Trung Quốc năm nay ở mức 30% so với trước đại dịch ở Malaysia và 10% ở Thái Lan.
Khách du lịch Trung Quốc sẽ bao giờ trở lại? Đông Nam Á có thể chờ đợi một thời gian dài, theo nhận định của Bloomberg.
Có một số vấn đề khiến khách Trung Quốc khó quay lại khu vực đông đúc. Công suất chuyến bay - đặc biệt là giữa Trung Quốc và Đông Nam Á - chưa trở lại mức của năm 2019 và suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang khiến người tiêu dùng nước này thận trọng. Lĩnh vực du lịch của Đông Nam Á vào thời điểm này không nên trông chờ vào sự quay trở lại thời kỳ bùng nổ khách Trung Quốc của những năm 2010.
Có những vấn đề bên trong Trung Quốc để khẳng định điều này là đúng. Thứ nhất, những người Trung Quốc trẻ tuổi không còn hứng thú với những trải nghiệm du lịch theo nhóm đã thống trị từ lâu trong các kỳ nghỉ ở Trung Quốc, mà cha mẹ đưa họ ra nước ngoài. Một cuộc khảo sát gần đây với 2.000 du khách Trung Quốc cho thấy 76% đang tìm kiếm "ít người hơn" và ít hành trình hơn. Thay vào đó, du khách Trung Quốc ngày nay đang tìm kiếm những trải nghiệm "thích hợp" giúp tiếp cận các điểm tham quan văn hóa độc đáo. Các bãi biển và chuỗi nhà hàng đông đúc không còn hợp tiêu chuẩn.
Thứ hai, người Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn ở trong nước, đặc biệt là cho hàng hóa xa xỉ. Năm 2019, người Trung Quốc chiếm 35% thị trường xa xỉ toàn cầu, nhưng chỉ 11% giao dịch mua hàng của họ được thực hiện tại Trung Quốc do thuế cao tại quê nhà. Các cửa hàng sang trọng và cửa hàng miễn thuế ở những nơi như Bangkok, Phuket và Kuala Lumpur được hưởng lợi. Nhưng Trung Quốc đã phát triển chính sách mở cửa hàng miễn thuế trong nước khiến doanh số bán hàng xa xỉ đang nhanh chóng tăng lên và có thể chiếm gần 90% doanh số bán hàng miễn thuế của châu Á - Thái Bình Dương trong một vài năm tới.
Trong ngắn hạn, theo phân tích của Bloomberg, các nước Đông Nam Á không thể bù đắp cho lượng khách du lịch bị thiếu của Trung Quốc. Nhưng về lâu dài nên mở rộng tiếp thị du lịch và tiếp cận các quốc gia khác có tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Ấn Độ là thị trường tốt để bắt đầu chiến lược mới. Giống như Trung Quốc vào những năm 1990, đây là nơi có dân số ngày càng giàu có, thích đi du lịch và ngành hàng không đang phát triển. Đầu năm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á lập luận rằng Ấn Độ có thể trở thành "Trung Quốc tiếp theo" về du lịch nước ngoài.
Khai thác thị trường khách du lịch Ấn Độ sẽ yêu cầu thực hiện nhiều bước giống như Thái Lan, Malaysia và các quốc gia khác đã thực hiện với Trung Quốc từ lâu: nới lỏng chính sách thị thực, mở rộng liên kết hàng không và hỗ trợ các khách sạn, nhà hàng và điểm tham quan tùy chỉnh các dịch vụ của họ cho khách Ấn Độ. Nhưng chắc chắn một điều, Ấn Độ sẽ không sớm bù đắp cho sự sụt giảm khách du lịch Trung Quốc.
Bình luận (0)