Là nhiệm vụ chứ không phải quyền mua
Bộ Công thương vừa gửi Chính phủ dự thảo nghị định quy định chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ sau khi đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Dự thảo nghị định tiếp tục quy định việc khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư xây dựng đúng pháp luật. Đặc biệt, Bộ đề xuất bên mua điện duy nhất với sản lượng điện dư là Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hoặc các đơn vị thành viên được EVN ủy quyền.
Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia ngành năng lượng phân tích bản chất của cơ chế điện mặt trời mái nhà mà Bộ Công thương vừa trình Chính phủ vẫn ưu tiên điện tự sản xuất, tự tiêu thụ. Dự thảo cũng "thoáng" hơn trước nhiều là cho bán lên lưới 20% trên tổng công suất lắp đặt. Hiện tại, EVN thông qua công ty thành viên là đơn vị mua nguồn điện này, thế nên dự thảo đưa vào quy định đó cũng là điều dễ hiểu.
"Xuất phát từ mục tiêu tự sản tự tiêu, lắp bao nhiêu, dùng bấy nhiêu, nhưng lắp điện mặt trời mà dùng không hết thì rất phí, nên việc cho bán lên lưới không quá 20% sản lượng lắp đặt là nhằm tránh lãng phí nguồn điện mặt trời mái nhà dư thừa, bảo đảm quyền lợi cho bên lắp đặt để dùng. Trong thực tế, nguồn điện tự sản tự tiêu này thừa rất ít. Cho nên việc quy định EVN là đơn vị mua duy nhất chỉ đơn giản vì hiện tại EVN là đơn vị đang thu mua điện các nguồn để phân phối, nguồn dư 20% này được phát lên lưới, mà EVN lại đang quản lý lưới điện quốc gia, nên đây cũng là đơn vị mua luôn", chuyên gia này phân tích và nhấn mạnh bản chất đây là nhiệm vụ phải mua chứ không phải quyền được mua. Lý do, giá điện mặt trời mái nhà hiện tại được mua theo giá bình quân của giá FIT 1 và 2 đều cao hơn 2.000 đồng/kWh, chưa tính chi phí phân phối khoảng 300 đồng/kWh. Trong khi giá điện bán lẻ bình quân vừa được điều chỉnh tăng ngày 11.10 vừa rồi là hơn 2.103 đồng/kWh...
Để khuyến khích dòng điện này, Dự thảo đưa ra cơ chế với hệ thống không đấu nối với lưới điện quốc gia sẽ được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Còn với hệ thống có đấu nối lưới điện, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải cấp giấy chứng nhận đăng ký. Loại hình này khi lắp đặt phải có hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống, thì được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Với hệ thống có công suất dưới 100 kW và đấu nối hệ thống điện, nếu không dùng hết thì được bán điện lên hệ thống điện quốc gia, nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Giá mua bán điện dư sẽ bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện, thị trường điện công bố.
Nhiều chính sách liên quan điện mặt trời cần sửa đổi
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia cố vấn Nhóm đối tác hỗ trợ chuyển dịch năng lượng bền vững ĐBSCL, cho rằng cả Nghị quyết 55 và Quy hoạch điện 8 đều đề ra các mục tiêu phát triển mạnh mẽ về điện tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng. Tuy nhiên, các chính sách liên quan điện mặt trời vẫn còn nhiều lúng túng, chưa rõ ràng. Cơ cấu nguồn phát điện hiện vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch với chi phí biến động và ảnh hưởng lớn đến môi trường như điện than. "Với bản dự thảo mới, theo cá nhân tôi, đã có những chuyển biến tích cực. Đó là cho bán lên lưới 20% công suất lắp đặt; điện tự sản xuất, tự tiêu thụ (không phải tự tiêu) mà không phát lên lưới, được phát triển không giới hạn công suất, đồng nghĩa với việc có thể bán cho hàng xóm theo thỏa thuận giữa 2 bên", ông Hiệp nhận xét.
Cũng theo ông Hiệp, điểm yếu của điện mặt trời lâu nay là phát triển nhanh, nhất là khu vực miền Nam, nhưng vướng truyền tải và các vấn đề liên quan cơ chế để phát triển thị trường điện đúng nghĩa. Một điểm vướng lâu nay là nguồn điện mặt trời dư thừa không biết bán cho ai thì nay quy định bán cho EVN. Thứ 2, dự thảo mở rộng khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp, nhà xưởng, công sở… Đây là câu chuyện tháo gỡ chính sách, là lối mở mang tính tích cực cho điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Bởi trong sản xuất hàng hóa tại các khu công nghiệp, điện mặt trời không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn tạo lợi thế cho sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh theo yêu cầu phía đối tác nhập khẩu…".
Với đề xuất chỉ duy nhất một đơn vị mua nguồn điện dư thừa tại các hệ thống điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng: Đây là cách tiếp cận phù hợp với tình hình hiện nay và mang tính tích cực. Tuy nhiên, để làm được việc "độc quyền" mua lại nguồn điện thừa này, cần nghiên cứu xem xét lại cơ chế mua bán điện hiện nay có phù hợp không. Thứ 2, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc phát triển điện mặt trời mái nhà thế nào, có trường hợp lợi dụng chính sách không hay song song phải sửa Quy hoạch điện 8 nhằm phù hợp cơ chế mở. Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu đến 2030, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đạt độ bao phủ 50% số tòa nhà công sở, nhà dân. Vậy điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thụ này có nằm trong số 4.100 MW tổng công suất đến 2020? Thứ 3, về lâu dài, đầu tư đường truyền tải, điều độ điện thế nào. Sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo và sự yếu kém của hạ tầng lưới điện cũng là một điểm nghẽn lớn. Đa số các đường dây, trạm biến áp từ 110-500 kV nhiều nơi quá tải, có nơi quá tải lên đến 360%.
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng - nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, phân tích rõ hơn: Dự thảo có quy định về giá mua bán điện dư sẽ bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện, thị trường điện công bố. Mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất giá mua điện mặt trời mái nhà còn dư phát lên lưới trong năm 2024 là 671 đồng/kWh và điều chỉnh hằng năm theo đề xuất của EVN nhằm phù hợp với phát triển hệ thống điện quốc gia. "Nên không có chuyện EVN mua điện dư của hệ thống tự sản tự tiêu để lỗ. Giá mua điện mặt trời cao chỉ tại các dự án điện mặt trời được hưởng giá FIT, còn nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang bàn theo dự thảo là EVN được chỉ định mua vì nguồn phát lên lưới. Có nối lưới thì phải bán cho EVN vì liên quan bảo đảm an toàn cho hệ thống lưới. Đơn giản thế thôi", TS Ngô Đức Lâm nói.
Cơ chế mua bán điện hiện vẫn tồn tại tình trạng bù chéo. Khách hàng mua nhiều sản phẩm điện không được khuyến khích mà còn phải chịu gánh giá điện cao để bù chéo cho sản xuất công nghiệp thâm dụng năng lượng. Nếu không kịp chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản xuất sạch thì phát triển "kinh tế thâm dụng" sẽ luôn là gánh nặng về điện.
TS Trần Hữu Hiệp
Bình luận (0)