Chuyên gia nhận định: Vì sao giá vàng tăng sốc hơn 3 triệu đồng/lượng, có tăng nữa không?

Chuyên gia nhận định: Vì sao giá vàng tăng sốc hơn 3 triệu đồng/lượng, có tăng nữa không?

30/11/2023 14:11 GMT+7

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 73,2 – 74,4 triệu đồng/lượng. Chuyên gia kinh tế thị trường lý giải nguyên nhân giá vàng tăng kỉ lục, dự báo liệu vàng có tăng nữa trong thời gian tới?

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 29.11 tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng tới 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán, niêm yết lần lượt ở mức 73,2 – 74,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 73,2 – 74,4 triệu đồng/lượng. Ghi nhận tại các điểm bán vàng tại TP.HCM, không khí giao dịch khá tấp nập, nhiều người đến xem giá vàng để quyết định bán lấy lời.

Vì sao giá vàng tăng sốc hơn 3 triệu đồng/lượng, liệu có còn tăng nữa? - Ảnh 1.

Giá vàng trong nước biến động mạnh

Lê Nam

Vì sao giá vàng tăng sốc hơn 3 triệu đồng/lượng, liệu có còn tăng nữa?

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM), giá vàng trong nước tăng kỷ lục với 3 nguyên nhân chính, bao gồm cả yếu tố thế giới lẫn xu hướng tiêu dùng trong nước cộng hưởng.

"Chỉ số sức mạnh của đồng đô la Mỹ giảm liên tiếp trong thời gian qua. Khi đồng đô la yếu đi, giá vàng thế giới có xu hướng tăng lên. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến giá vàng tăng. Khi giá vàng thế giới tăng thì ảnh hưởng tới giá vàng trong nước vì hai thị trường có sự liên thông lẫn nhau. Thường giai đoạn cuối năm, xu hướng mùa vụ khiến giá vàng tăng, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng họ có xu hướng nhập vàng để gia công chế tác. Nhu cầu mua sắm vàng cuối năm cũng tăng lên so với trước. Tất cả yếu tố đó làm giá vàng trong nước, kể cả vàng SJC lẫn vàng của hãng khác đều tăng", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.

Vì sao giá vàng tăng sốc hơn 3 triệu đồng/lượng, liệu có còn tăng nữa? - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Lê Nam

Dự báo xu hướng giá vàng trong nước thời gian tới sẽ chịu ảnh hưởng từ giá quốc tế nhưng có mức chênh khá lớn. Theo chuyên gia, nguồn vàng cho sản xuất vàng nhẫn khan hiếm, điều này càng đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, nhìn vào thực tế, vàng đang ở vùng giá đỉnh, người dân nên hết sức cẩn trọng khi mua vào bởi chênh lệch mua vào - bán ra lớn, do vậy nhà đầu tư sẽ rất rủi ro khi giá có dấu hiệu đảo chiều.

"Nếu như chúng ta có kỳ vọng kiếm lời trong ngắn hạn có thể cân nhắc việc vào mùng 10 hàng năm (ngày vía Thần tài - PV) giá vàng sẽ tăng rất nhiều, trước đó chúng ta có thể mua vào để mùng 10 chốt lời. Tuy nhiên các nhà đầu tư lưu ý giá chênh lệch mua bán, vì chúng ta mua với giá này thì bán với giá khác. Thường thời điểm giá vàng biến động mạnh thì chênh lệch mua bán cũng sẽ có chênh lệch rất cao. Vì vậy nên cân nhắc giá vàng có tăng đủ để bù chênh lệch mua bán đó hay không", TS Huân cho biết.

Vì sao giá vàng tăng sốc hơn 3 triệu đồng/lượng, liệu có còn tăng nữa? - Ảnh 3.

Đến sáng 30.11, giá vàng trong nước quay đầu lao dốc sau khi tăng cao bất thường. Cụ thể, theo ghi nhận của Báo Thanh Niên, ngân hàng Eximbank mua vàng miếng SJC với mức 72,5 triệu đồng/lượng, bán ra 73,7 triệu đồng, giảm 700.000 đồng ở chiều mua và giảm 500.000 đồng ở chiều bán ra so với sáng hôm qua. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 72,4 triệu đồng và bán ra 73,6 triệu đồng. So với mức cao nhất 74,4 triệu đồng vào sáng 29.11 thì mỗi lượng vàng miếng SJC đã "bốc hơi" 800.000 đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.