Trung Quốc chậm trở lại
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chi tiêu hơn 280 tỉ đô la Mỹ hàng năm trước đại dịch, vẫn đang xây dựng lại từ khủng hoảng Covid-19. Chính phủ nước này đã duy trì các biện pháp ngăn chặn đại dịch như phong tỏa những thành phố lâu hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, khiến nhiều người không quá háo hức mạo hiểm đi du lịch trở lại, ngay cả sau khi chính sách "zero Covid" đã bị hủy bỏ.
Một cuộc khảo sát được công bố cuối tháng 4 cho thấy, hơn 30% du khách Trung Quốc đã loại bỏ việc đi du lịch nước ngoài vào năm 2023.
Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương cho biết sẽ mất ít nhất một năm để Trung Quốc quay trở lại mức du lịch hàng không quốc tế trước đại dịch. Du khách đang đi du lịch trong nước tương đương với năm 2019, nhưng việc mở cửa rộng rãi hơn sẽ mất nhiều thời gian (Trung Quốc hiện chỉ thí điểm cho du khách ra nước ngoài theo đoàn tới khoảng 60 điểm đến).
Việc Trung Quốc mở cửa chậm chạp khiến các hãng hàng không lo lắng về việc đưa tất cả máy bay vận hành trở lại, dẫn đến ít chỗ ngồi hơn trên các tuyến quốc tế, siết chặt nhu cầu và đẩy giá vé máy bay lên cao. Các chuyến bay đến Trung Quốc hiện tại có rất ít và giá cao ngất ngưởng.
Thiếu nhân viên
Các hãng hàng không thiệt hại gần 200 tỉ USD vì Covid-19 và hàng chục triệu việc làm trong ngành bị cắt giảm. Ngành du lịch phục hồi ấn tượng nhưng ngành công nghiệp hàng không đang phải vật lộn để tuyển dụng lại đầy đủ. Nhiều nhân sự cũ được đào tạo bài bản đã quyết định chuyển nghề hoàn toàn khi nhận những công việc ổn định hơn.
Tình trạng thiếu hụt nhân công đã khiến nạn chậm trễ tại các quầy làm thủ tục ở sân bay, quầy nhập cảnh và băng chuyền hành lý trở nên trầm trọng hơn. Các hãng hàng không phải tìm cách thu hút và giữ chân nhân viên, đồng nghĩa với việc đưa ra mức lương tốt hơn. Điều đó khiến giá vé máy bay cao hơn khi các hãng cố gắng thu lại chi phí bổ sung.
Giá nhiên liệu cao
Giá nhiên liệu đã hạ nhiệt trong năm qua, nhưng dầu thô vẫn đắt hơn 50% so với tháng 1.2019, khiến các hãng hàng không lao đao vì nhiên liệu là chi phí lớn nhất. Nhiều hãng, đặc biệt là những hãng giá rẻ, không phòng ngừa rủi ro nhiên liệu, nên đối mặt với nhiều khó khăn hơn…
Các hãng hàng không đóng góp hơn 2% lượng khí thải carbon của thế giới, nhưng lại tụt hậu so với hầu hết các doanh nghiệp khác trong cam kết vì một tương lai sạch hơn. Một phần do giải pháp khả thi duy nhất hiện nay - nhiên liệu hàng không bền vững - có giá gấp năm lần nhiên liệu máy bay truyền thống.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, ngành này sẽ phải trả 2.000 tỉ đô la Mỹ để giảm carbon về 0 vào năm 2050. Các hãng hàng không sẽ phải tăng giá vé để đối phó, khiến việc đi máy bay càng trở nên tốn kém hơn.
Khan hiếm máy bay
Có tới 16.000 máy bay - chiếm khoảng 2/3 đội bay thương mại của thế giới - đã dừng bay ở đỉnh điểm của đại dịch. Để máy bay có thể bay trở lại là một nhiệm vụ to lớn liên quan đến việc xem xét kỹ lưỡng mọi bộ phận để đảm bảo an toàn. Nhiều chiếc được giữ trong bãi ở Mỹ và Úc, nơi chúng ít bị hao mòn hơn, nhưng vẫn có thể gặp phải các vấn đề như nội thất và động cơ bị hư hỏng.
Trên hết, các nhà sản xuất máy bay đang bị tụt lại phía sau, với tình trạng thiếu lao động tại các nhà thầu phụ khiến sản xuất bị đình trệ. Các lệnh trừng phạt liên quan đến Nga cũng khiến Airbus, Boeing và các nhà cung cấp của họ gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguyên liệu thô như titan, đẩy giá các bộ phận lên cao.
Những hãng hàng không như Spirit Airlines và IndiGo của Ấn Độ đã buộc phải cho máy bay mới ngừng hoạt động do các bộ phận bị thiếu hụt và các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc chế tạo tua-bin mới. Một số công nghệ thế hệ mới cũng cần được bảo dưỡng thường xuyên hơn, vì các bộ phận bị hao mòn nhanh hơn.
Với các vấn đề hiện nay, giá vé máy bay quốc tế dự báo sẽ tăng hai con số vào mùa hè này, sau khi tăng tới 15% vào năm ngoái.
Người tiêu dùng đang sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua vé máy bay sau khi không đi du lịch hai hoặc ba năm. Một cuộc khảo sát của Booking.com với hơn 25.000 người trưởng thành dự định đi du lịch trong vòng 12 đến 24 tháng tới cho thấy, nhiều người muốn "nuông chiều hơn" hành trình của họ để bù đắp cho những "mất mát" trong quá khứ.
Bình luận (0)